Chuẩn hóa sản phẩm để khai thác các thế mạnh đặc sản của địa phương

Kinh tế - Ngày đăng : 11:09, 16/12/2019

Tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019 do UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, thành phố Hà Nội đã trao chứng nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố cho các sản phẩm đạt tiêu chí của các địa phương; đồng thời, đưa sản phẩm OCOP tới bán và giới thiệu với đông đảo người tiêu dùng Thủ đô. Việc chuẩn hóa sản phẩm này sẽ giúp Hà Nội khai thác các thế mạnh đặc sản của từng địa phương trong phát triển kinh tế nông thôn.

Những “trái ngọt” đầu tiên

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, làng nghề. Toàn thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống được công nhận. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 sẽ đánh giá và xếp hạng từ 800 đến 1.000 sản phẩm. Hà Nội cũng định hướng đến năm 2020 tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuyên canh, tập trung, phấn đấu tăng trưởng bình quân đạt 3% trở lên...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cùng các đại biểu tham quan các gian hàng tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019.

Trong thời gian qua, triển khai thực hiện Chương trình OCOP, Hà Nội đã tập trung quyết liệt triển khai, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương và bước đầu đạt kết quả rõ nét. Trên cơ sở kết quả đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP, tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019, thành phố Hà Nội đã công bố Quyết định số 7095/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 13-12-2019 về Phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố Hà Nội (đợt 1).

Theo đó, thành phố công nhận 11 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 13 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 2 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao đề nghị trung ương công nhận sản phẩm OCOP quốc gia. Trong đó, có các sản phẩm đặc trưng như: Gạo nếp cái hoa vàng của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (Thanh Oai); hộp sơn mài gắn sừng của Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại An Huy (Duyên Thái, Thường Tín); rượu gạo nếp Long Tửu của hộ kinh doanh Thạo Loan (Xuân Canh, Đông Anh)...

“Đặc biệt, Hà Nội có 2 sản phẩm tiềm năng đạt OCOP 5 sao là bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh và bộ sản phẩm gốm men suối ngọc của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (Bát Tràng, Gia Lâm). Hai sản phẩm này sẽ được thành phố Hà Nội đề nghị trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia” - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí vui mừng cho biết.

Đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng

Tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019, các sản phẩm OCOP của Hà Nội đã được giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng Thủ đô và mở ra cơ hội hợp tác, giao thương rộng hơn cho sản phẩm. Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh, dịch vụ, tổng hợp Thụy Lâm (Thụy Lâm, Đông Anh) Nguyễn Thị Cúc cho biết: "Được thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP là thông tin rất vui đối với các thành viên trong hợp tác xã. Vùng sản xuất nếp cái hoa vàng của xã tôi có diện tích 570ha, đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể. Hiện nay, sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Thụy Lâm được bán trên thị trường 35.000 đồng/kg, cao hơn 2 lần so với gạo tẻ. Được thành phố chứng nhận sản phẩm OCOP, chúng tôi mong muốn sẽ tìm kiếm được các đối tác tiêu thụ sản phẩm ổn định để bà con yên tâm sản xuất”.

Các sản phẩm sinh vật cảnh đặc sắc của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham dự Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019 thu hút được sự quan tâm của nhiều người.

Cùng có mặt tại Festival, những sản phẩm gốm sứ cao cấp mang dấu ấn riêng của các nghệ nhân làng nghề Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) cũng thu hút sự chú ý của khách tham quan. Bà Hà Thị Vinh, đại diện Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh cho hay: “Công ty mang tới bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ - sản phẩm đã được thành phố Hà Nội đánh giá có tiềm năng đạt 5 sao (sản phẩm cấp quốc gia) và đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để trình trung ương đánh giá, công nhận. Tham gia Festival là dịp để chúng tôi giới thiệu tinh hoa làng nghề, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển, xứng danh điểm du lịch làng nghề tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội”.

Các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề tiêu biểu của thành phố Hà Nội đã và đang tham gia vào Chương trình OCOP để chuẩn hóa sản phẩm, mang lại giá trị cao hơn cho người sản xuất.

Phát biểu tham dự Festival, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Hà Nội và cả nước đang đẩy mạnh Chương trình OCOP nhằm khai thác các thế mạnh đặc sản của các địa phương. Nhà nước sẽ hỗ trợ để các đặc sản này được chuẩn hóa, trở thành sản phẩm chất lượng cao, mang lại giá trị thu nhập cao hơn cho nông dân. Riêng với Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, thành phố có tiềm năng rất lớn để phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm làng nghề.

Để có thể mở rộng quảng bá các sản phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khuyến nghị, Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở, người dân chuẩn hóa quy trình sản xuất trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học - công nghệ. Cùng với đó, cần kiên trì, liên tục đổi mới sáng tạo, làm tốt công tác nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nguyễn Mai