Sửa đổi các nghị định về quản lý đất đai: Tạo động lực phát triển nông nghiệp
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:57, 16/12/2019
Còn nhiều rào cản
Hiện tại, nhiều cá nhân, tổ chức gặp khó khăn trong việc tích tụ đất đai để hình thành vùng sản xuất lớn. Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) Trịnh Văn Vĩnh cho biết: Hiện nay, hợp tác xã đang sản xuất 12ha rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhu cầu dồn điền, đổi thửa tích tụ ruộng đất của người dân để sản xuất tập trung nhiều năm nay không thực hiện được. Mỗi hộ có 2-5 thửa ruộng, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế còn thấp. Việc tổ chức sản xuất, kiểm soát sản phẩm cũng khó khăn hơn.
Với ông Ngô Văn Mạnh ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) lại gặp khó khăn về thời hạn thuê đất. Ông chia sẻ, gia đình đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng cho trang trại. Thế nhưng xã chỉ có thẩm quyền cho thuê đất với thời hạn 5 năm nên gia đình không yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Còn theo ông Bạch Văn Nghị ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên), hiện nay quy mô trang trại nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi của gia đình ông là hơn 2ha. Gia đình muốn chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để đầu tư cho giao thông, thủy lợi, xây dựng nhà sơ chế, bảo quản…; nhưng vướng các quy định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, nên đến nay chưa triển khai được...
Nói về những bất cập trong chính sách liên quan đến đất đai và phát triển nông nghiệp của địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết, hiện nay, các mô hình tích tụ chưa bảo đảm thủ tục về đất đai. Các bên chủ yếu thực hiện theo thỏa thuận giữa người thuê, mượn với những người có ruộng đất. Với diện tích đất 5% công ích do xã quản lý, thì xã chỉ được phép cho các cá nhân hay doanh nghiệp thuê theo hình thức đấu giá, thời gian thuê tối đa 5 năm. Thời gian này không đủ để doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Như vậy, chính sách về đất đai đang còn nhiều rào cản ảnh hưởng tới phát triển nông nghiệp. Nếu không được tháo gỡ thì ngành Nông nghiệp không thể sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Đây là vấn đề không chỉ của Hà Nội mà nhiều địa phương trên cả nước đang gặp khó khăn.
Sửa đổi để thúc đẩy phát triển
Từ những vấn đề phát sinh trong thực tế, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6-1-2017, sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn bất cập cần tiếp tục tháo gỡ để bảo đảm tính khả thi của hệ thống các quy phạm pháp luật về đất đai, đồng thời tạo nguồn lực mới phát triển nông nghiệp.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) Lê Văn Tam, phải sửa đổi Luật Đất đai 2013 mới có thể xóa bỏ rào cản trong tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư lớn vào nông nghiệp. Nhiều nhà quản lý đồng tình với nhận định này.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, trong khi chờ đợi sửa đổi Luật Đất đai 2013, Chính phủ đang lấy ý kiến dự thảo nghị định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp cũng như sửa 3 nghị định khác liên quan đến Luật Đất đai 2013. Theo đó, Chính phủ sẽ cho phép nhà đầu tư được chuyển mục đích sử dụng một phần diện tích đất nông nghiệp, nhưng không quá 5% tổng diện tích thực hiện dự án để xây dựng công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp theo dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt và tối đa không quá 5.000m2. UBND cấp huyện, cấp xã làm đầu mối thực hiện việc thuê quyền sử dụng đất hoặc nhận ủy quyền của người sử dụng đất để tạo lập quỹ đất nông nghiệp, sau đó cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê đất hoặc thuê lại đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp...
Cũng về vấn đề này, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, cần có những điều khoản hướng dẫn cho các địa phương về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi dồn điền, đổi thửa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình làm thủ tục vay vốn ngân hàng. Dự thảo nghị định cũng nên quy định rõ thế nào được gọi là quy mô lớn để tạo thuận lợi cho các địa phương thực hiện khi có dự án nông nghiệp vào đầu tư...
Có thể nói, trong thời gian chờ sửa đổi Luật Đất đai 2013, việc sửa đổi các nghị định cũng như các quy định liên quan tới việc tập trung, tích tụ đất đai, thời hạn thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất là việc cần làm ngay để tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nông nghiệp.