Thế giới trải qua tháng 11 nóng thứ hai trong suốt 140 năm qua
Công nghệ - Ngày đăng : 16:04, 17/12/2019
Cơ quan đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) ngày 16-12 công bố một báo cáo cho biết tháng 11 vừa qua là tháng nóng thứ 2 trong ghi chép về khí hậu toàn cầu suốt 140 năm qua, sau tháng 11 của năm 2015.
Theo báo cáo này, Cơ quan đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ cho biết trong tháng 11-2019, nhiệt độ trung bình bề mặt các đại dương và mặt đất cao hơn 1,66 độ F (0,92 độ C) so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20.
Báo cáo chỉ ra cụ thể nhiệt độ nóng lên được ghi nhận ở hầu hết các khu vực trên thế giới, ngoại trừ Bắc Mỹ cùng một số khu vực miền Tây và Trung châu Á.
Cũng theo báo cáo, 5 tháng 11 có nhiệt độ cao nhất trong lịch sử đều tập trung trong khoảng thời gian năm 2013 đến nay. Đây là bằng chứng mạnh mẽ phản ánh tình trạng biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, báo cáo cũng ghi nhận diện tích bao phủ băng trên biển tại cả Nam Cực và Bắc Cực trong tháng 11-2019 giảm xuống mức thấp thứ 2, sau thời điểm tháng 11-2016.
Cụ thể, diện tích bề mặt băng Bắc Cực giảm 12,8% so với mức trung bình ghi nhận từ 1981-2010, trong khi đó, diện tích bề mặt băng ở Nam Cực giảm 6,4% so với mức trung bình.
Thông tin của Cơ quan đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ cũng trùng khớp với báo cáo của Cơ quan biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) xác định tháng 11-2019 gia nhập "câu lạc bộ" những tháng 11 nóng nhất trong lịch sử, cùng với các tháng 11 của năm 2015 và 2016.
Thông tin trên được công bố trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) vừa kết thúc sau gần 2 tuần nhóm họp tại Tây Ban Nha, song không gặt hái được những cam kết từ nhiều nước đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang cam go hiện nay.
Liên hợp quốc dự báo năm 2019 sắp qua đi này sẽ là 1 trong 2 năm nóng nhất trong lịch sử, trong khi đó Tổ chức Khí tượng Thế giới khẳng định thập niên 10 của thế kỷ XXI là giai đoạn nóng nhất trong lịch sử.