Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện chất lượng không khí

Xã hội - Ngày đăng : 07:05, 18/12/2019

(HNM) - Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí và việc này cần sự chung tay của người dân cũng như các bộ, ngành, địa phương lân cận. Đó là khẳng định của Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Mai Trọng Thái khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.

Hà Nội đang triển khai kế hoạch trồng thêm 600.000 cây xanh đến năm 2020 giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Nhật Nam

- Tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay do nhiều nguyên nhân gây ra. Vậy, theo ông đâu là nguyên nhân chính?

- Có thể thấy rất rõ, ô nhiễm không khí có nhiều nguyên nhân và đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam và Hà Nội. Nhiều đô thị lớn trên thế giới đang phải đối mặt với vấn nạn này.

Ô nhiễm không khí có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn là từ hoạt động giao thông, xây dựng; đời sống dân sinh như đun nấu, sử dụng than tổ ong, đốt rơm rạ, rác... Bên cạnh đó, không khí ở Thủ đô còn chịu tác động từ các nguồn ô nhiễm như khí thải từ các khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận...

Mặt khác, điều kiện khí tượng, thời tiết bất lợi như những ngày vừa qua gây nên tình trạng tăng đột biến các hạt bụi có kích thước nhỏ lơ lửng (bụi mịn PM2.5). Đây là trường hợp bất khả kháng.

Cũng phải thấy rằng, việc nhận định Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất là chưa có cơ sở khoa học, bởi chỉ số bụi mịn PM2.5 chỉ là một trong 8 chỉ số về quan trắc. Để đánh giá đúng thực trạng, cần tổng hợp tất cả các thông số để tính toán một cách khoa học kỹ lưỡng. Thành phố đã chỉ đạo và các ngành liên quan đang thu thập số liệu để có đánh giá tổng thể.

- Như vậy, người dân vừa hứng chịu tác động từ ô nhiễm không khí nhưng cũng là tác nhân gây ô nhiễm không khí?

- Tôi lấy ví dụ đơn giản như đốt rơm, phụ phẩm nông nghiệp hay sử dụng bếp than tổ ong, biết là không tốt cho sức khỏe và môi trường nhưng người dân vẫn làm, vẫn sử dụng vì lợi ích trước mắt của bản thân. Hay xe máy quá niên hạn vẫn sử dụng, phát thải khói đen ra môi trường… Mỗi hành động tưởng như nhỏ nhưng nhiều hành động như vậy lại tác động rất lớn đến chất lượng không khí.

- Trước tình trạng gia tăng ô nhiễm không khí, Hà Nội có những giải pháp gì để hạn chế, khắc phục, thưa ông?

- Thành phố đã ban hành nhiều chính sách và đã triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã đẩy mạnh trồng, chăm sóc cây xanh trên địa bàn. Đến năm 2018, Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch trồng 1 triệu cây xanh và đang triển khai kế hoạch trồng thêm 600.000 cây xanh đến năm 2020. Ngày 30-10-2019, UBND thành phố cũng ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường... Mặt khác, thành phố cũng đã xây dựng đề án và được HĐND thành phố thông qua lộ trình cấm xe máy. Bởi vì một nguồn ô nhiễm nhất hiện nay là khí thải từ các loại xe. 

Thời gian tới thành phố tiếp tục triển khai lắp đặt các trạm quan trắc và cài đặt phần mềm phân tích. Bởi theo nghiên cứu của các chuyên gia Pháp thì thành phố phải có 85 trạm quan trắc trong khi hiện mới có 10 trạm.

Bên cạnh những giải pháp lâu dài, trước mắt, thành phố đã cho tăng lượng xe hút bụi gấp đôi thông thường để làm sạch bụi. Trong những thời điểm chất lượng không khí kém, Hà Nội đã liên tục cập nhật số liệu quan trắc trên cổng điện tử của thành phố và ngành Môi trường. Những ngày vừa qua, chúng tôi cũng đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo người dân nên trang bị khẩu trang chống bụi đạt chuẩn; nên sử dụng phương tiện công cộng; đóng kín cửa sổ; trường học không nên cho học sinh tham gia hoạt động ngoài trời...

Đặc biệt, người dân hạn chế tối đa hoạt động gây ô nhiễm không khí, như đốt rác, đun nấu bằng bếp than tổ ong, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân... Phương tiện vận chuyển phế thải xây dựng phải bảo đảm che chắn kín, không phát tán ô nhiễm...

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị thành phố giao các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường không khí. Có thể nói rằng, thành phố đã rất nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng không khí. Ý kiến cho rằng chính quyền thành phố không làm gì là không chính xác.

Tuy vậy, như tôi đã nói ở trên, ô nhiễm không khí có nguyên nhân chính từ việc phát thải của con người, do vậy, để cải thiện môi trường không khí vẫn rất cần sự chung tay của người dân. Tôi nghĩ rằng, một trong những hành động thiết thực nhất mà tất cả chúng ta đều có thể làm được để góp phần giảm ô nhiễm không khí như không đun than tổ ong, không đốt rơm rạ, tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng...

Ngoài nỗ lực của Hà Nội, ô nhiễm không khí còn chịu ảnh hưởng từ một số tỉnh, thành phố lân cận, do vậy, để giải quyết vấn đề rất cần có thời gian và có sự phối hợp hơn nữa của các bộ, ngành, các địa phương lân cận...

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Mai