Ngăn chặn nguy cơ đánh mất bản sắc

Văn hóa - Ngày đăng : 16:31, 18/12/2019

(HNMCT) - Việc ứng dụng biểu tượng văn hóa trong các loại hình nghệ thuật, trong đời sống hằng ngày là một việc làm cần thiết để tiếp thu di sản cha ông, lưu giữ mỹ cảm truyền đời của dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, thể hiện được “căn cước” văn hóa của đất nước, việc ứng dụng biểu tượng văn hóa vẫn xảy ra nhiều bất cập, rất nhiều biểu tượng văn hóa bị sai lệch, bị bóp méo, pha trộn quá đà khi ứng dụng vào đời sống đương đại.

Sư tử đá ngoại lai nhe nanh canh đền, chùa Việt.

Phản cảm và tùy tiện

Biểu tượng văn hóa là dấu ấn khẳng định văn hóa của mỗi dân tộc. Biểu tượng văn hóa phản ánh đặc trưng văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, xã hội và con người vùng đất đó.

Theo các nhà nghiên cứu, có “biểu tượng chính thống” hình thành trong quá trình lịch sử hoặc biểu tượng mới do nhà nước đặt ra và sử dụng chính thức, cũng có “biểu tượng dân gian” được phổ biến, lưu giữ trong cộng đồng và lưu truyền qua ký ức như trống đồng, chim Lạc, áo dài, hoa sen, nghê, rồng, biểu tượng búa liềm, bông lúa...”.

Tuy nhiên vì thiếu kiến thức, không hiểu cặn kẽ về nguồn gốc, ý nghĩa của các biểu tượng văn hóa nên việc sử dụng tùy tiện các biểu tượng này diễn ra ở rất nhiều nơi.

Cách đây vài năm, câu chuyện về những con sử tử đá được đặt trước nhiều đền, chùa, cơ quan, công sở thậm chí nhà riêng của nhiều người như biểu thị cho sự hùng mạnh thịnh vượng... hóa ra lại không phải là sư tử thuần Việt khiến nhiều người bàng hoàng vỡ lẽ. Hóa ra bấy lâu nay, vì thiếu hiểu biết, vì mê tín và vì sự tùy tiện, linh vật ngoại lai với hình dáng hung tợn kia đã được cho là một biểu tượng hữu dụng trong phong thủy, của sự may mắn về tiền tài.

Thực chất tại quê hương của nó, người ta chỉ đặt nó ở vị trí... canh mộ. Rồi đến biểu tượng con rồng cũng vậy. Đa số rồng ở các công trình kiến trúc mới có hình dáng ngoại lai chứ không phải là rồng Việt.

Rồng vòi voi tại Hương Nghiêm Pháp đường khu danh thắng Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội).

Năm 2015, tại Hương Nghiêm Pháp đường khu danh thắng Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) được báo chí phản ánh xuất hiện bức phù điêu hình đầu rồng, gắn vòi voi, mũi sư tử không có trong nghệ thuật tạo hình của Việt Nam.

Tết năm 2017, cộng đồng mạng lại được một phen xôn xao khi xuất hiện chú rồng vàng trên đường phố Hải Phòng. Với thân giống rồng nhưng đầu thì giống... nhân vật hoạt hình Pikachu, chú rồng này đã được cộng đồng mạng gán cho những cái tên như “rồng Pikalong”, “rồng sâu rau”, “rồng đầu vịt”...

Tiếp đó là sự “nhôm nhoam” trong việc sử dụng biểu tượng văn hóa truyền thống tại những công trình công cộng. Năm 2016, nhiều người dân ở thành phố Nam Định đã phản ánh lên các phương tiện truyền thông việc tháp giao thông Đông A - Quốc lộ 10 cửa ngõ thành phố xuất hiện hình ảnh chim Lạc... lao đầu xuống đất.

Trong khi đó theo anh Triệu Thanh Sơn, một người chuyên sưu tập, quảng bá văn hóa Nam Định: “Trong các tài liệu, hiện vật từ cổ chí kim chỉ thấy chim Lạc bay lên, chưa thấy đỗ xuống bao giờ. Chưa kể, nếu nhìn trực quan, chim Lạc ở tháp giao thông Nam Định không phải đang đỗ xuống mà là đang chúi đầu, cắm đầu lao xuống đất”...

Đặc biệt, một vấn đề hết sức đáng quan ngại đó là việc cách tân áo dài, biểu tượng đặc trưng của văn hóa Việt. Phổ biến nhất là tình trạng cắt xén táo bạo để biến một trang phục nền nã, kín đáo trở thành một bộ cánh để khoe thân với phần cổ được khoét sâu, eo xẻ cao, tay áo bị... cắt cụt.

Không chỉ dừng ở đó, một số nhà thiết kế còn "sáng tạo" chiếc áo dài truyền thống theo kiểu "cưỡng bức văn hóa" khi ghép đôi áo dài với quần soóc, hay áo dài với tất lưới gợi cảm.

Chưa kể đến loại áo dài nam được cách tân cắt ngang gối, may phom cứng khiến nó na ná áo dài nam truyền thống của Ấn Độ, chiếc áo dài nữ có tà áo ngắn trên gối mặc kèm với váy xòe hoặc váy đụp mà theo nhà thiết kế Sĩ Hoàng “loại trang phục này khá giống với trang phục mùa hè ở Trung Quốc”.

Tương tự, việc lạm dụng yếm, áo tứ thân, áo bà ba... để khoe thân, hoặc làm biến dạng các bộ váy truyền thống của người Thái, Tày, Mường, Dao... thành sản phẩm thời trang lai căng, kệch cỡm đã vấp phải sự phản ứng của cộng đồng.

Nguyên nhân từ nhiều phía

“Rồng Pikachu” được tạo từ cây xanh và hoa dùng để trang trí Tết 2017 tại Hải Phòng.

Không phải ngẫu nhiên mà một nền văn hóa bị “lai căng”. Đó phải là kết quả của sự thiếu hiểu biết đến từ nhiều phía, nhất là những người làm công tác quản lý văn hóa. Sự phối hợp chưa nhịp nhàng và hài hòa giữa chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và chủ đầu tư, đặc biệt thiếu hẳn vai trò tư vấn của giới chuyên môn là nguyên nhân chính của tình trạng sử dụng biểu tượng văn hóa một cách tràn lan, tùy tiện và khó kiểm soát. Tiếp đó là sự thiếu hiểu biết của người dân, thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh những sai phạm, lệch chuẩn.

Nhiều tác phẩm điêu khắc được trang trí tại công viên ở Việt Nam chủ yếu là những con vật trong bộ tứ linh nhưng không thông qua khâu kiểm duyệt mà chủ yếu theo sở thích và “gu” thẩm mỹ của chủ đầu tư, không có sự nghiên cứu sâu về tính biểu tượng văn hóa nên chất lượng nghệ thuật không cao.

Thêm vào đó, hiện tại Việt Nam chưa có những quy định, chuẩn mực về sáng tác, sử dụng và bảo vệ các công trình có liên quan đến biểu tượng văn hóa cũng chưa có trường lớp nào dạy về biểu tượng văn hóa.

Đặc biệt, tại Hội thảo “Sử dụng biểu tượng văn hóa của Việt Nam trong đời sống đương đại” (do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức), họa sĩ Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Luật Di sản văn hóa hiện chưa có sự rõ ràng về những chuẩn mực, chưa có tiêu chí khoa học sâu sắc để nhận diện đánh giá, xét xử theo luật pháp những tình huống, con người vi phạm làm tổn hại các di sản được xem là biểu tượng văn hóa của dân tộc”.

Vấn đề cấp thiết

Áo dài cách tân được “sáng tạo” thành những trang phục gây phản cảm.

Giáo sư Trần Lâm Biền khi nói về “hiện tượng” sư tử đá ngoại lai đã gọi đó là một sự “lạc dòng” văn hóa. Khi bản sắc văn hóa bị phai nhạt, biến dạng, thậm chí bị khước từ khỏi đời sống, sẽ là hồi chuông báo động về nguy cơ xa rời các giá trị truyền thống và đánh mất cội nguồn dân tộc.

Chính vì thế, việc tìm hiểu và nghiên cứu sâu các biểu tượng văn hóa để tạo nên những nét đặc trưng riêng của quốc gia, dân tộc, vùng miền là vấn đề cấp thiết. Đồng thời, cần có sự phối hợp tốt giữa chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, chủ đầu tư và nhất là sự tham gia tư vấn và phản biện tích cực trên tinh thần khoa học của giới chuyên môn để việc sử dụng, ứng dụng các biểu tượng văn hóa truyền thống đạt hiệu quả. Đặc biệt, cần có một bộ chuẩn mực, quy định cụ thể để có thể dễ dàng ứng dụng các biểu tượng văn hóa.

Cụ thể như hình thành những bộ sách công cụ về văn hóa nghệ thuật truyền thống, tạo ra những chương trình, phần mềm, những kho dữ liệu hình ảnh, hoa văn, biểu tượng truyền thống để các nhà thiết kế có thể sử dụng, phối hợp với các hình thức thẩm mỹ đương đại...

Có như thế mới ngăn chặn sự tùy tiện, cẩu thả trong ứng dụng biểu tượng văn hóa bởi theo thời gian, nếu không được chỉnh sửa, "đính chính", nó có thể trở thành "đúng" trong tâm thức cộng đồng.

Bà Trần Thị Thu Đông, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm:

Việc quan trọng và cần nhất hiện nay là cần xác định những biểu tượng văn hóa truyền thống của Việt Nam và giá trị của các biểu tượng văn hóa này. Đồng thời định hướng cho xã hội việc khai thác, sử dụng biểu tượng văn hóa nhằm gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống văn hóa trong giai đoạn hội nhập quốc tế, phục vụ việc xây dựng thương hiệu nhận diện quốc gia.

Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh:

Thời gian qua, những nhận thức sai về phong thủy đã dẫn tới sự hiện diện của các linh vật ngoại lai. Dân tộc chúng ta có nhiều linh vật đẹp nhưng chưa được khai thác, ứng dụng nhiều. Vì vậy cần có quy định cụ thể về việc sử dụng biểu tượng văn hóa.

Tại các quốc gia phát triển, việc hướng dẫn sử dụng biểu tượng văn hóa rất được quan tâm. Họ thiết lập chuẩn mực để đưa vào giảng dạy, đưa vào luật nhằm bảo vệ biểu tượng văn hóa. Đây là điều mà chúng ta cần suy nghĩ khi nói đến “chiến lược công nghiệp văn hóa” trong thời đại 4.0. Chúng ta cần tham khảo tư liệu, quy chuẩn về việc giảng dạy cũng như sử dụng các biểu tượng văn hóa mà các nước trên thế giới áp dụng. Theo tôi, các tiêu chí cần quan tâm, ứng dụng và giảng dạy để đánh giá hay sáng tạo một công trình mang ý nghĩa là biểu tượng văn hóa gồm: Tính thời đại (thời điểm ra đời, tinh thần thời đại tiềm ẩn trong biểu tượng); tính triết lý sâu sắc, sự độc đáo trong ý tưởng và cách thể hiện; tính thẩm mỹ, sự giao thoa văn hóa và ngôn ngữ nghệ thuật; tính kỹ thuật, tính toàn vẹn...

Hoàng Lan