Biến phế thải thành vật liệu hữu ích
Công nghệ - Ngày đăng : 07:11, 19/12/2019
Với tính khả thi cao, dự án “Nghiên cứu chế tạo vật liệu gạch lát hè từ túi ni lông phế thải” vừa được trao giải xuất sắc tại hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên của nhà trường, đồng thời là 1 trong 7 dự án của trường được chọn gửi tham gia Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tác giả của dự án là nhóm 5 sinh viên K56 chuyên ngành Xây dựng Cầu đường ô tô và sân bay, Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông - Vận tải Hà Nội. Trần Thế Anh, trưởng nhóm dự án cho biết, người gợi mở ý tưởng triển khai dự án là Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Huy Khang (bộ môn Cầu đường ô tô và sân bay). Mục tiêu của nhóm khi triển khai dự án là nhằm tái sử dụng phế thải hiệu quả, góp phần xử lý rác thải nhựa, đồng thời đề xuất một giải pháp hữu ích trong việc xử lý phế thải nhựa.
Sinh viên Phạm Văn Đức - thành viên của nhóm chia sẻ: Thực tế khảo sát đã khiến cả nhóm sửng sốt bởi lượng rác thải, trong đó có túi ni lông, rác thải nhựa thải ra hằng ngày ở ngay tại địa bàn dân cư mình sinh sống là rất lớn. Điều này càng thôi thúc cả nhóm quyết tâm hiện thực hóa ý tưởng nhằm chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay.
Khởi động từ tháng 12-2018, phải mất gần 2 tháng, nhóm mới cơ bản hoàn thiện sản phẩm. Riêng công đoạn thu gom rác thải đã tốn khá nhiều thời gian. Ngoài việc phân công từng thành viên gom rác thải tại khu vực mình sinh sống, cả nhóm dành trọn 2 ngày ở bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), thu gom được 20kg túi ni lông và các phế thải nhựa khác. Lượng rác thải này sau khi mang về được rửa sạch, phơi khô.
Từ các kiến thức được học, cả nhóm đã mày mò, tìm ra công thức sản xuất gạch với các nguyên liệu dễ tìm như cát, đá, túi ni lông hoặc nhựa, trong đó ni lông, nhựa đóng vai trò là chất kết dính. Công đoạn khó khăn nhất, mất nhiều thời gian nhất là việc tìm ra tỷ lệ pha trộn các nguyên liệu và mức độ gia nhiệt để bảo đảm thành phẩm đạt yêu cầu. Cả nhóm phải làm đi làm lại trên 50 mẫu thử khác nhau mới có thể tìm ra được tỷ lệ pha trộn chuẩn của các nguyên liệu ở nhiệt độ phù hợp.
Điều thú vị là dự án không chỉ thu hút sinh viên Việt Nam mà còn khiến sinh viên nước ngoài hào hứng. Viphavady Inthapatha, sinh viên người Lào, một trong những thành viên của nhóm cho biết: "Vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có rác thải nhựa cũng đang là vấn đề được quan tâm ở Lào. Tham gia với các bạn Việt Nam trong dự án này, em mong muốn góp sức cùng các bạn sinh viên Việt Nam cải thiện môi trường sống, qua đó cũng nhằm gặt hái thêm kinh nghiệm để sau khi về nước có thể phát triển ý tưởng này".
Nói về triển vọng triển khai áp dụng sáng kiến này, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Huy Khang cho rằng: Dù mới là kết quả nghiên cứu bước đầu của sinh viên, nhưng có cơ sở khoa học và thực tiễn tốt. Tuy nhiên để sản phẩm có thể áp dụng trong thực tế sẽ là một khoảng cách không nhỏ. Để giải quyết vấn đề này rất cần sự ủng hộ của chính quyền thành phố Hà Nội trong việc tạo điều kiện tiếp tục nghiên cứu và áp dụng trên một số hè phố, sự ủng hộ của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu công nghệ xử lý, sản xuất. Mặc dù bước đầu giá thành có thể cao hơn gạch lát thông thường, song nếu tính về tác động với môi trường thì hiệu quả không thể tính bằng tiền.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Phó Trưởng bộ môn Đường ô tô và sân bay cho biết: Việc tổ chức nghiên cứu khoa học trong sinh viên là hoạt động được Trường Đại học Giao thông - Vận tải Hà Nội quan tâm, tổ chức hằng năm nhằm khích lệ các em tăng cường ứng dụng kiến thức đã học, hiện thực hóa các ý tưởng để góp phần giải quyết các vấn đề "nóng" liên quan đến môi trường trong đô thị. Mỗi năm nhà trường có khoảng 500 dự án nghiên cứu khoa học của sinh viên, riêng năm học 2019-2020 đã lên tới gần 700 dự án. Điều này cho thấy sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm của sinh viên hiện nay trong việc đóng góp xây dựng Hà Nội xanh, sạch, đẹp.