“Sợi dây” cảm xúc kết nối nhiều thế hệ
Văn hóa - Ngày đăng : 08:25, 19/12/2019
Từ nhân dân mà ra
Từ nhân dân mà ra là tên của triển lãm mỹ thuật chuyên đề nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019) và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019) được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu đến công chúng (từ ngày 19 đến 27-12).
Tên triển lãm lấy cảm hứng từ câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Nhân dân ta vô cùng vĩ đại. Quân đội ta, con đẻ của nhân dân, là một quân đội anh hùng. Từ nhân dân mà ra, được nhân dân đùm bọc, chăm sóc, thương yêu, quân đội ta đã làm tròn và quyết sẽ làm tròn mọi nhiệm vụ nặng nề, vẻ vang mà nhân dân và Đảng giao phó”.
Đây có thể nói là triển lãm hết sức dày dặn, công phu khi tập hợp được 58 tác phẩm nghệ thuật của nhiều tác giả nổi tiếng thuộc nhiều thế hệ khác nhau, với nhiều thể loại từ hội họa, đồ họa, điêu khắc... và nhiều chất liệu như: Sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ, bột màu, màu nước, gỗ... phản ánh chân thực và sống động cuộc sống, chiến đấu của quân đội ta.
Nét hấp dẫn ở triển lãm này, đó là trong cái nhìn toàn diện, bao quát của nhiều tác giả nổi tiếng thuộc các thế hệ khác nhau về đề tài quân đội nhân dân, người xem không chỉ thấy sức mạnh, vẻ đẹp hào hùng của người chiến sĩ, mà còn thấy tình quân dân vô cùng đẹp đẽ. Đó là “chất tình” khiến cho mỗi tác phẩm mềm mại hơn, sinh động hơn và dễ đi vào lòng người hơn.
Tình cảm ấy có khi hiện lên lồng lộng như một biểu tượng như trong tác phẩm Từ nhân dân mà ra (của Quang Thọ) với lối tạo hình chắc khỏe, khúc chiết mang ý nghĩa bao quát, thể hiện tinh thần đoàn kết nhiều thế hệ, nhiều lực lượng quân đội nhân dân.
Nhưng cũng có khi lại là sự đùm bọc, yêu thương rất đỗi chân thành, giản dị, đi sâu vào chi tiết như các tác phẩm Đêm hậu cứ (Hoàng Tích Chù), Đón bộ đội về bản (Cao Trọng Thiềm), Tình quân dân (Trần Anh Tuấn)...
Tình cảm ấy có thể ẩn sâu trong mỗi bức tranh, qua sự cảm phục với những gian nan, sự hy sinh, vất vả của người chiến sĩ như bức Thông đường (Hứa Tử Hoài), Chuyển đạn xuống đồng bằng (Trần Hoàng Sơn), nhưng cũng có khi cảm xúc tràn lên mặt tranh, lãng mạn, đẹp đẽ như tác phẩm Tiếng đàn bầu (Sỹ Tốt), Những cô gái Trường Sơn (Vũ Giáng Hương), hay hình ảnh về hậu phương vững chắc tiếp thêm sức mạnh cho tiền tuyến như Chiến lũy, Ký ức những ngọn đèn (Lê Anh Vân)...
Nguồn cảm hứng mạnh mẽ
Triển lãm Từ nhân dân mà ra là triển lãm tiêu biểu trong dịp này, nhưng cũng chỉ nói lên được một phần rất nhỏ bé kho tàng các tác phẩm về đề tài quân đội nhân dân của nền mỹ thuật Việt Nam.
Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đề tài chiến tranh, người lính là đề tài lớn nhất của hội họa Việt Nam giai đoạn hiện đại. Trong khoảng chục năm trở về trước, ở các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, số tranh về đề tài chiến tranh, cách mạng và lực lượng vũ trang chiếm khoảng 80%, chưa kể đến các triển lãm chuyên đề của các lực lượng trong toàn quân. Hiện Hội Mỹ thuật Việt Nam đang lưu giữ trên 1.000 tác phẩm mỹ thuật thì trong đó 2/3 là đề tài chiến tranh cách mạng.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng khẳng định: “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ của giới nghệ sĩ trong và ngoài quân đội, giúp các tác giả sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật, khắc họa hình ảnh anh hùng của Bộ đội Cụ Hồ trong những cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay”.
Và trong thời gian gần đây, các triển lãm về đề tài này vẫn thu hút được sự tham gia của một lực lượng rất lớn các họa sĩ đương thời. Triển lãm mỹ thuật toàn quốc về đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng 2014 - 2019 được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 10 vừa qua cũng đã thu hút hơn 400 họa sĩ tham gia với chất lượng tác phẩm rất tốt.
Trước đó, trại sáng tác tranh lụa và đồ họa về đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức cũng gặt hái được nhiều tác phẩm có sự sáng tạo mới cả về chất liệu lẫn cách khai thác đề tài...
Điều đặc biệt ở các triển lãm gần đây là sự xuất hiện của thế hệ những họa sĩ trẻ, hầu hết đều không kinh qua hai cuộc kháng chiến nên cách khai thác đề tài của họ cũng gần gũi hơn với cuộc sống hiện nay như xoay quanh tình quân dân, nét đẹp đời thường trong sinh hoạt của người chiến sĩ...
Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Quân đội ta từ nhân dân mà ra”, và nghệ thuật dựa trên sự rung động sâu sắc về mối quan hệ quân - dân nhờ đó cũng dễ dàng tỏa sáng, chinh phục người xem qua nhiều thế hệ.