Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính: Đong đầy tình yêu với Hà Nội
Văn hóa - Ngày đăng : 09:44, 19/12/2019
1. Khi kết thúc công việc ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Ngô Quốc Tính đã quyết định về sinh sống tại xã Phật Tích (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Vùng đất của những làn điệu quan họ mượt mà, đằm thắm không phải là nơi “chôn nhau cắt rốn” của ông nhưng xuất phát từ tình yêu quan họ từ tấm bé, ông đã chọn vùng đất này, theo cách ông nói vui là “ở ẩn”.
Trên mảnh đất rộng hơn 1.000m2, căn nhà được xây dựng theo kiến trúc của người Kinh Bắc xưa với khu vườn thoáng mát, nơi vợ chồng người nhạc sĩ già trồng đủ các loại cây ăn quả và rau xanh. Ông bảo, mỗi khi sáng tác mà “bí” quá là lại ra vườn tỉa cành, tưới cây, nghe tiếng chim hót để lấy lại cảm xúc. Và cũng không ít lần từ những giây phút tĩnh lặng tâm hồn như vậy ông đã nảy ra một tứ nhạc mới.
Chắc cũng vì lẽ đó mà khi tuổi càng cao nhạc sĩ Ngô Quốc Tính lại sáng tác nhiều hơn, chất lượng càng tốt hơn. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông không ngại dấn thân với những tác phẩm lớn đòi hỏi khắt khe về học thuật. Ngót 20 năm về đây, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm lớn được giới chuyên môn đánh giá cao.
Đó là hợp xướng không dàn nhạc đệm Dòng trăng lúng liếng (Giải Nhất ca khúc nghệ thuật, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2009), hợp xướng Phật Tích (Giải Nhì thể loại thanh xướng kịch - hợp xướng, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2010), vở nhạc kịch Huyền diệu biển (Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô năm 2016), thanh xướng kịch Nàng nhũ hương (Giải B, không có giải A, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2017), hợp xướng Nhớ lời di chúc theo chân Bác (Giải B - Giải thưởng sáng tác quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018)...
2. Ít ai biết rằng, để gặt hái được những “quả ngọt” trong âm nhạc, thời thanh niên Ngô Quốc Tính đã phải bươn chải, vất vả mưu sinh đến thế nào. 19 tuổi, rời vòng tay bố mẹ lên Thủ đô lập nghiệp, ông kiếm sống bằng nhiều nghề nặng nhọc như kéo xe bò, đạp xích lô..., tối về ngủ nhờ nhà của một người họ hàng cạnh Văn Miếu, đúng hơn là một cái gầm cầu thang rộng chưa đến 10m2.
Thế nhưng, may mắn đã đến và thay đổi cuộc đời ông khi trong một lần đạp xích lô tới gần ga Văn Điển, thấy một họa sĩ đang ngồi vẽ tranh, ông đã bỏ luôn công việc chính mà mê mẩn ngắm những nét vẽ đầy màu sắc ấy. Thấy lạ về người thanh niên áo quần nhem nhuốc lại say đắm với hội họa nên người họa sĩ đã nhận ông về Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương (nay là Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) để làm mẫu vẽ cho sinh viên. Sau đó, ông được nhận làm “chân” rửa bát, nấu ăn trong ký túc xá của trường.
Được làm việc trong môi trường giáo dục nên Ngô Quốc Tính nhận thức rằng chỉ có học hành mới làm thay đổi tương lai của chính mình. Thế là, sau khi vắt kiệt sức với những công việc tay chân vào ban ngày, tối đến ông lại đi bộ tới số 9 Hàng Trống để học vẽ. Bằng quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ ông đã thi đỗ vào Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam).
Nhưng sau khi cầm tấm bằng họa sĩ ông lại không mưu sinh bằng nghề vẽ, bởi người thanh niên chí lớn ấy được trời phú cho quá nhiều năng khiếu, trong đó có âm nhạc. Nhưng khác với nhiều nhạc sĩ cùng thời, ông tham gia làm âm nhạc (chỉ huy dàn nhạc Đoàn Chèo rồi Đoàn Ca Múa Kịch Ninh Bình) rồi mới quay lại học nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông lần lượt trải qua công việc biên tập viên Nhà xuất bản Âm nhạc, rồi Chánh Văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam đến lúc nghỉ hưu.
Chính âm nhạc đã cho ông cơ hội tham gia chiến trường khi làm chỉ đạo nghệ thuật dẫn Đoàn Văn công xung kích tỉnh Ninh Bình đi phục vụ đồng bào, chiến sĩ miền Nam giữa những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vừa làm nhiệm vụ của người nghệ sĩ nhưng đoàn văn công còn kiêm thêm nhiệm vụ phải vận tải thương binh, tử sĩ về nơi an toàn. Những gì được chứng kiến trong cuộc chiến đã ám ảnh, thôi thúc ông luôn phấn đấu nỗ lực góp sức mình cho Tổ quốc, cho nhân dân bằng âm nhạc.
Năm 1995, ông sáng tác tác phẩm giao hưởng Huyền tích Trường Sơn, sau đó 2 năm ông cùng đạo diễn, NSƯT Bằng Thịnh đã chuyển thể thành bản Ballet Huyền tích Trường Sơn được Nhà hát Nhạc Vũ kịch biểu diễn trong nhiều chương trình kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây là một trong 7 tác phẩm giúp nhạc sĩ Ngô Quốc Tính được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
3. Nhiều năm sinh sống, làm việc tại Thủ đô đã cho ông những cảm xúc đặc biệt về mảnh đất này. Mặc dù đã sáng tác nhiều ca khúc về Hà Nội nhưng ông vẫn thấy chưa tới tầm, chưa lột tả được tầm vóc của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Thế nên, khi thành công với vở nhạc kịch đầu tay Huyền diệu biển, ông quyết định viết một vở nhạc kịch về Thủ đô. Và ông đã tìm đến vở kịch Lũy hoa lừng danh của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Lũy hoa giúp người xem được sống lại cuộc chiến đấu trong suốt 60 ngày đêm của quân và dân Hà Nội, cho đến khi Trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi Hà Nội để tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ theo Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lũy hoa gây ấn tượng đậm ở sự chan hòa, sự giao thoa giữa cái dữ dội, khốc liệt của chiến tranh, với chất hào hoa rất riêng của người Hà Nội.
Bắt tay vào viết vở nhạc kịch Lũy hoa, Ngô Quốc Tính đã được con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhiệt tình giúp đỡ, cho ông mượn nhiều tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của cha mình.
Tuy nhiên, khi đã được Hội Âm nhạc Hà Nội trao giải đặc biệt trong đợt vận động sáng tác âm nhạc nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ông lại tiếp tục phát triển lên thành vở nhạc kịch Hoa lũy thép. Bởi theo ông, Lũy hoa chỉ nói về Liên khu 1 và Trung đoàn Thủ đô năm 1946 thì có phần hơi hẹp. Theo lời giới thiệu của một số bạn bè, ông đã về khu vực Nhật Tân để tìm hiểu lịch sử và bổ sung thêm một phần nội dung nữa của vở nhạc kịch. Đó là nội dung khắc họa đậm nét về vùng “lũy thép” Hà Nội trước và trong thời điểm tháng 12-1946.
Được biết sắp tới, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam sẽ dựng vở nhạc kịch Hoa lũy thép. Biết rằng sẽ rất tốn kém nhưng nhạc sĩ Ngô Quốc Tính khẳng định: “Tôi quyết làm một vở nhạc kịch hoành tráng đúng với tinh thần, tầm vóc của một tác phẩm lớn ca ngợi mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Nếu dựng được tác phẩm này thành công, coi như tôi đã trả được món nợ ân tình với Thủ đô mà bấy lâu cứ canh cánh trong lòng”.
Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính sinh năm 1943 tại Bình Lục, Hà Nam. Âm nhạc của ông được đánh giá là thấm đượm âm hưởng dân gian, khúc chiết, nhiều tìm tòi, sáng tạo và có bản sắc riêng. Năm 2012, ông vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho 7 tác phẩm, trong đó cho 5 ca khúc: Trên công trường rộn tiếng ca, Mai em mười bảy, Hương hồi xứ Lạng, Biên giới tình ta, Dòng trăng lúng liếng và 2 tác phẩm giao hưởng: Ba Đình mùa thu ấy, Huyền tích Trường Sơn.