Kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Đời sống - Ngày đăng : 19:26, 19/12/2019
Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, mục đích của đoàn công tác là kiểm tra công tác quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; ban hành, tổ chức thực hiện các quy định, quy chế làm việc thuộc thẩm quyền của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, của Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam; việc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các chủ thể liên quan; công tác xây dựng, thực hiện, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; xây dựng, thực hiện các quy tắc ứng xử…
Báo cáo của Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho thấy, là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, có vai trò, nhiệm vụ khác với các cơ quan hành chính Nhà nước, trong thời gian qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định để không xảy ra hiện tượng tham nhũng trong hoạt động của Liên đoàn.
Thông qua các cuộc họp Thường trực, Ban Thường vụ…, Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã luôn quán triệt để triển khai thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; nhất là các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018…
Các chủ trương lớn của Đảng được Đảng đoàn cụ thể hóa thông qua các văn bản nội bộ của Liên đoàn gồm: Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam; Quy định về xử lý kỷ luật luật sư...
Hệ thống quy định này bao hàm nhiều nội dung điều chỉnh hành vi của luật sư đã góp phần quan trọng để công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. Liên đoàn Luật sư không ngừng tăng cường hoạt động tự quản để quản lý đội ngũ luật sư trong thực hiện cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ luật sư và các hoạt động khác nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch...
Cơ bản nhất trí với Báo cáo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các thành viên trong đoàn công tác cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống tham nhũng cần khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, nhận thức của Liên đoàn và Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam về phạm vi, vai trò của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng chưa đầy đủ. Các kết quả đạt được mới tập trung trong nội bộ Liên đoàn, chưa mở rộng ra toàn quốc; hầu như chưa có việc kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng trong toàn giới luật sư…
Kết luận buổi làm việc, Trưởng đoàn công tác đề nghị, thời gian tới, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục chỉ đạo, quán triệt, có những giải pháp đồng bộ hơn nữa để thực hiện các văn bản, chỉ đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng gồm: Kết luận số 10-KL/TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng; Chỉ thị số 50-CT/TƯ của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 33-CT/TƯ của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư...
“Cần thể hiện rõ nét hơn vai trò của Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam đối với đội ngũ luật sư trong toàn quốc, trong đó có việc tham gia hoạch định chính sách và xây dựng thể chế trong phòng, chống tham nhũng...”, Trưởng đoàn công tác nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng lưu ý, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nghiên cứu để ban hành chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng cho từng giai đoạn, phạm vi cụ thể; công khai hoạt động thuộc thẩm quyền tự quản của Liên đoàn; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền tự quản; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống tham nhũng trong nội bộ Liên đoàn và giới luật sư toàn quốc...