Nâng cao trách nhiệm công vụ, đẩy mạnh dân vận chính quyền phục vụ phát triển KT-XH của Thủ đô
Chính trị - Ngày đăng : 09:37, 19/12/2019
Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học, các đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, quận, huyện của Hà Nội.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, công tác dân vận chính quyền đã được các sở, ban, ngành, quận, huyện của thành phố triển khai bài bản, rộng khắp, góp phần tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Điểm lại những thành tựu của Thủ đô trong năm 2019, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng đề án vị trí việc làm. Thành phố cũng đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu cốt lõi với 1.448 dịch vụ công mức độ 3 và 4, trong đó, số dịch vụ công mức độ 4 đạt 17,3%. Hơn 3 triệu hồ sơ công dân đã hoạt động trên môi trường này, qua đó rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 30 phút xuống còn 3-4 phút, thậm chí 1 phút nếu là dịch vụ công mức độ 4.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại thành phố cũng gắn với vị trí việc làm, bảo đảm đến năm 2020, 100% cán bộ cơ sở được đào tạo nâng cao chất lượng. Quy tắc ứng xử trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng được triển khai rộng khắp. Toàn thành phố đã triển khai công tác dân vận chính quyền, tổ chức đối thoại với nhân dân, qua đó giải quyết kịp thời những những băn khoăn, vướng mắc của nhân dân ngay từ cơ sở, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
“Việc triển khai công tác dân vận chính quyền đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô trong năm 2019. Trong đó, GRDP tăng 7,46% - cao nhất trong 4 năm trở lại đây, đạt kế hoạch đề ra. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; chỉ số PCI năm 2018 của Hà Nội xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố; đầu tư nước ngoài đạt 8,05 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước, cao nhất kể từ 30 năm mở cửa và hội nhập. Hà Nội cũng là 1 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành và sự thông thoáng của môi trường kinh doanh”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết.
Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế. Đó là tình trạng một số đơn vị triển khai công tác dân vận chính quyền chưa hiệu quả. Một số chỉ số thành phần trong chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội còn thấp; chất lượng cán bộ, công chức chưa đồng đều; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương ở một số cơ quan chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng quan liêu, vô cảm gây bức xúc cho nhân dân.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học từ thực tiễn nghiên cứu sẽ có những kiến giải sâu sắc về các vấn đề liên quan đến đạo đức công vụ, trách nhiệm hành chính, pháp lý, giải trình… nhằm giúp thành phố Hà Nội triển khai hiệu quả hơn nữa công tác dân vận chính quyền, qua đó phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước...
Hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ
Tại hội thảo, đã có 80 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học gửi Ban tổ chức. 10 đại biểu tham luận tại hội thảo tập trung vào hai nhóm vấn đề lớn, gồm: Kiến giải rõ hơn một số vấn đề lý luận về “Trách nhiệm công vụ” và “Dân vận chính quyền”; đánh giá thực trạng công tác dân vận chính quyền và thực thi công vụ ở Hà Nội thời gian qua, nhận định về những “điều kiện mới” với Thủ đô và cả nước.
Phát biểu kết thúc hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn cho biết, các ý kiến tham luận đã làm sâu sắc hơn lý luận và thực tiễn về hai nhóm vấn đề “Trách nhiệm công vụ” và “Dân vận chính quyền” trong "điều kiện mới". Theo đồng chí Đoàn Minh Huấn, với những đặc thù riêng, việc triển khai “Trách nhiệm công vụ” và “Dân vận chính quyền” tại Thủ đô Hà Nội rất khác biệt so với các địa phương trên cả nước. Thêm vào đó, trong “điều kiện mới” cũng đòi hỏi các cấp chính quyền của thành phố, ngoài tư cách là nhà quản lý còn là nhà đầu tư, hoạt động bình đẳng trong thực thi pháp luật khi tham gia các dự án, đặc biệt là dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Trên cơ sở những vấn đề đặt ra đối với công tác dân vận chính quyền, thực thi trách nhiệm công vụ ở Hà Nội, các tham luận cũng đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp như: Đẩy mạnh xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với lợi ích người dân; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng thực thi công việc và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục hướng công tác dân vận về cơ sở, giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phát huy trách nhiệm người đứng đầu chính quyền trong công tác dân vận…
Theo đồng chí Đoàn Minh Huấn, những nội dung của hội thảo sẽ được chắt lọc, vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Hà Nội, hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, kỷ cương, minh bạch và liêm chính, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.