Đối thoại với đại biểu Hội Nông dân thành phố về thực hiện Chương trình số 02
Chính trị - Ngày đăng : 15:07, 19/12/2019
Cùng dự buổi đối thoại có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cùng đại diện Hội Nông dân Việt Nam; lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và 150 đại biểu nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã…
Những khó khăn cần tháo gỡ
Tại buổi đối thoại, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội hết sức quan tâm đến công tác dân vận, thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở...
Thực hiện Quyết định 217-QĐ/TƯ về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TƯ ban hành “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI), Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định 6525-QĐ/TU ngày 25-9-2015 của Thành ủy về “Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tiếp thu góp ý của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Tiếp đó, Thành ủy ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU ngày 25-5-2017 của Thành ủy về “Ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội” và triển khai thực hiện khá hiệu quả trong thời gian qua. Trong đó, riêng với đại biểu Hội Nông dân thành phố, tháng 3-2018, Bí thư Thành ủy đã trực tiếp chủ trì hội nghị gặp gỡ, đối thoại.
“Việc tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại với đại biểu Hội Nông dân Thủ đô hôm nay là dịp để các đồng chí lãnh đạo thành phố lắng nghe, trao đổi, trả lời, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, hội viên nông dân Thủ đô; đồng thời, lãnh đạo thành phố cũng mong muốn lắng nghe cán bộ, hội viên nông dân tham gia góp ý để xây dựng chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp; quyết tâm xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nêu rõ.
Thông tin về hoạt động của Hội Nông dân tham gia thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Lê Ngọc Thắng cho biết: "Góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, trong 10 năm qua, hội viên, nông dân trong thành phố đã hiến hơn 415.000m2 đất; đóng góp 4,5 triệu ngày công lao động; ủng hộ hơn 700 tỷ đồng làm giao thông và các công trình công cộng khác; tập trung triển khai tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể".
Trong 10 năm (2009-2019), các cấp Hội đã xây dựng được 1.523 mô hình kinh tế tập thể; phát triển 14.294 mô hình kinh tế hộ; xây dựng 783 câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, câu lạc bộ nông dân phát triển kinh tế; hỗ trợ nông dân xây dựng hơn 1.400 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn…
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là công nghệ thấp, tính cạnh tranh chưa cao; các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm; cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn còn hạn chế; vấn đề nước sạch cho khu vực nông thôn, ô nhiễm môi trường còn nhiều bất cập…
Theo ông Chu Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm, để tránh tình trạng “được mùa - mất giá”, thành phố và ngành Nông nghiệp quy hoạch các vùng sản xuất tập trung hàng hóa, chỉ đạo xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương gắn với triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm... Bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Thanh Hà (huyện Thường Tín) kiến nghị, thành phố quan tâm chỉ đạo xây dựng, phát triển và quản lý các nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm làng nghề truyền thống…
Đối với phát triển các mô hình kinh tế tập thể, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Xuyên kiến nghị thành phố rà soát cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã trong việc liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị để sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực; đồng thời đẩy mạnh thông tin, quảng bá xúc tiến tiêu thụ sản phẩm do nông dân làm ra. Ông Dương Quang Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ cho rằng, nông dân vẫn khó khăn trong tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp do giá trị tài sản thế chấp của nông dân được định giá quá thấp so với thực tế.
Đối với vấn đề việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Phùng Văn Thư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Sơn (huyện Quốc Oai) kiến nghị thành phố quan tâm công tác đào tạo nghề và dạy nghề cho lao động nông thôn…
Cùng với vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp, một số đại biểu kiến nghị về môi trường, nước sạch. Ông Lê Văn Toản, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hùng Sơn (huyện Mỹ Đức) mong muốn thành phố quan tâm đầu tư các dự án nước sạch về nông thôn để nhân dân được dùng nước sạch theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới…
Nhiều giải pháp thiết thực
Trước những thắc mắc của đại biểu nông dân, lãnh đạo thành phố và các sở, ngành trực tiếp giải đáp các vấn đề theo từng nhóm kiến nghị… Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, Hà Nội hiện có 24 quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp và việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên các lĩnh vực đã có những chuyển biến tích cực với nhiều mô hình nổi bật, hiệu quả… Ngoài ra, công tác quản lý dịch bệnh, môi trường, ứng dụng khoa học vào sản xuất cũng đạt được nhiều kết quả tiến bộ…
Kết luận buổi đối thoại, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, với tinh thần làm việc tích cực, cởi mở…, hội nghị đối thoại có 30 ý kiến, trong đó có 23 ý kiến của đại biểu Hội Nông dân, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, chủ trang trại và hội viên nông dân, cùng 7 ý kiến của các sở, ngành. Các ý kiến, kiến nghị tập trung vào 25 nhóm vấn đề cụ thể và 5 vấn đề lớn, gồm: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; Chương trình mỗi xã một sản phẩm; vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, dịch bệnh; vấn đề đê điều, thủy lợi.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có vai trò, trách nhiệm quan trọng của các cấp Hội Nông dân từ thành phố đến cơ sở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt, phải tập trung và 5 vấn đề lớn, 25 nhóm vấn đề cụ thể; phải có ghi chép, báo cáo cụ thể từng vấn đề…
Ngoài ra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu các cấp Hội Nông dân thành phố cần chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền, tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam và Nghị quyết Đại hội IX Hội Nông dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2018-2023; tập trung triển khai có hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Hội đề ra; đẩy mạnh triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả 3 Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng và chính quyền các cấp, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Về những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu nông dân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành chủ động và tích cực tham mưu hướng dẫn thực hiện, đánh giá hiệu quả thực tế các chính sách hiện hành của thành phố; hỗ trợ các hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; chỉ đạo các sở, ngành tập hợp, trả lời bằng văn bản các kiến nghị của nông dân; tập trung giải quyết những đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục tham mưu, nghiên cứu, hướng dẫn các cấp chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27/CT-UBND ngày 20-10-2009 của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố Hà Nội, hằng năm có bố trí ngân sách bổ sung cho hoạt động của quỹ; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, đào tạo nghề và dạy nghề cho lao động nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…