“Túi ni lông và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp”
Công nghệ - Ngày đăng : 17:03, 20/12/2019
Theo Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Anh Đức, công tác bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa và túi ni lông trong những năm gần đây luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp và Hà Nội đặc biệt quan tâm. Thông qua tọa đàm, Ban tổ chức mong muốn nhận được sự đóng góp của các chuyên gia, các sở, ban, ngành để góp phần vào việc bảo vệ môi trường sống của người dân Thủ đô, đặc biệt là việc hạn chế rác thải nhựa.
Tại tọa đàm, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có hơn 3.900 phòng khám tư nhân và việc quản lý chất thải y tế ở các cơ sở này gặp không ít khó khăn. Sở sẽ nghiêm túc xử lý đối với các phòng khám sai phạm về xả rác thải y tế ra môi trường, có thể đình chỉ, thu hồi, tạm dừng hoạt động của các cơ sở này. Sở Y tế mong có sự phối hợp của các đơn vị thu gom, khi phát hiện cơ sở sai phạm thì thông tin ngay đến Sở.
Sở Du lịch Hà Nội cho hay, 3.500 cơ sở lưu trú, 30 cơ sở ăn uống đạt chuẩn... trên địa bàn Hà Nội không chỉ là điểm đến của du khách mà còn là "điểm nóng" về xả thải. Vì vậy, Sở xác định công tác tuyên truyền là vô cùng quan trọng. Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường, “mạnh tay” xử phạt đối với các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, Sở cũng tăng cường khen thưởng, chứng nhận nhãn du lịch bền vững nhằm khuyến khích mô hình du lịch xanh tại các doanh nghiệp, điểm đến...
Còn theo Sở Công Thương, trên địa bàn thành phố hiện có 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 455 chợ và gần 2.000 hệ thống cửa hàng tiện ích và chuỗi. Trong quá trình kinh doanh, việc sử dụng sản phẩm đồ nhựa dùng một lần, túi ni lông bao gói cho khách... khá phổ biến với lượng khá lớn. Do đó, Sở xác định ngành Công Thương phải tiên phong trong phong trào chống rác thải nhựa. Hiện, Sở đã triển khai đến 1.000 doanh nghiệp cam kết tham gia chống rác thải nhựa trong các lĩnh vực sản xuất và phân phối tiêu dùng…