Tổng thống Donald Trump chính thức bị luận tội: “Cơn bão” trên chính trường Mỹ
Thế giới - Ngày đăng : 07:15, 20/12/2019
Theo thông báo từ Hạ viện Mỹ, điều khoản luận tội được thông qua với 229 phiếu thuận và 198 phiếu chống, cho rằng Tổng thống D.Trump đã “lạm dụng quyền hạn” tác động trực tiếp và gián tiếp nhằm thuyết phục Ukraine điều tra ông John Biden, một đối thủ nặng ký trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Ông chủ Nhà Trắng cũng có hành động thao túng, trì hoãn khoản viện trợ đã được Quốc hội phê chuẩn trị giá 391 triệu USD cho Ukraine vì lợi ích cá nhân gây nguy hại tới an ninh quốc gia và tiến trình dân chủ của đất nước.
Ngoài ra, Tổng thống D.Trump đã chỉ đạo văn phòng và quan chức hành pháp không tuân thủ các trát hầu tòa hợp pháp, từ chối cung cấp tài liệu phục vụ điều tra cũng như tham gia điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện. Đây là hành động vi hiến, đi ngược lại quyền hạn của Tổng thống và do đó, ông D.Trump cần bị bãi nhiệm.
Ngay sau khi Hạ viện Mỹ thông qua việc luận tội Tổng thống D.Trump, Nhà Trắng đã lên tiếng chỉ trích động thái trên của đảng Dân chủ, gọi đây là “đỉnh điểm của một trong những tập phim chính trị đáng xấu hổ nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham tuyên bố, cuộc bỏ phiếu của Hạ viện mang tính đảng phái, đồng thời khẳng định quá trình vi hiến của cơ quan này đã dẫn đến 2 điều khoản luận tội vô căn cứ mà không đưa ra bằng chứng nào về hành vi sai trái của Tổng thống. Tuyên bố cũng nêu rõ Tổng thống D.Trump tin tưởng Thượng viện sẽ khôi phục lại quá trình đúng đắn, công bằng, theo quy tắc thông thường vốn bị Hạ viện bỏ qua.
Trên thực tế, ngay khi Tổng thống D.Trump đắc cử năm 2017, các cử tri Mỹ đã bị chia rẽ khá mạnh thành hai phe ủng hộ và phản đối. Cuộc điều tra luận tội người đứng đầu đất nước càng làm cho mâu thuẫn xã hội thêm sâu sắc. Một khảo sát của kênh truyền hình CNN thực hiện cho thấy 46% người tham gia cho rằng cần phải luận tội ông D.Trump, trong khi 49% phản đối. Theo kết quả khảo sát của AFP, con số này là 45% ủng hộ và 51% phản đối.
Bất ngờ hơn nữa, dù vướng phải bê bối khi đang đương nhiệm, Tổng thống D.Trump vẫn nhận được tỷ lệ ủng hộ cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Thăm dò của Đại học Quinnipiac cho biết có 43% người được hỏi công nhận hiệu suất công việc của Tổng thống và tỷ lệ không công nhận là 52%.
Kết quả cuộc bỏ phiếu lịch sử tại Hạ viện sẽ mở đường cho một phiên xét xử tại Thượng viện để đưa ra phán quyết liệu có kết tội và phế truất vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ hay không. Theo đề xuất của lãnh đạo phe thiểu số Chuck Schumer, tiến trình phiên này sẽ bao gồm 24 giờ cho đảng Dân chủ trình bày cáo trạng, 24 giờ cho luật sư Nhà Trắng phản biện và nhiều ngày nghe lời khai nhân chứng.
Ngoài ra, sẽ có phiên riêng để các thượng nghị sĩ thẩm vấn đại diện đảng Dân chủ tại Hạ viện và luật sư Nhà Trắng. Sau phiên lập luận cuối cùng của đại diện hai bên, Thượng viện Mỹ có 24 giờ để tranh luận và ra phán quyết cuối cùng.
Cho dù mọi việc đang diễn biến theo hướng bất lợi cho ông D.Trump nhưng thực tế là từ trước tới nay, chưa từng có Tổng thống Mỹ nào bị bãi nhiệm thông qua tiến trình luận tội được tiến hành theo Hiến pháp Mỹ. Cũng có rất ít dấu hiệu cho thấy các thượng nghị sĩ Mỹ sẽ thay đổi lịch sử, nhất là khi Thượng viện đang do đảng Cộng hòa nắm giữ. Tuy nhiên, “cơn bão” này rõ ràng sẽ khiến sự chia rẽ, đối đầu trên chính trường Mỹ ngày càng gay gắt, trầm trọng hơn.