Tăng trưởng cả chiều rộng và chiều sâu
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:38, 21/12/2019
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, thương mại toàn cầu giảm tốc, xuất khẩu của các nước trong khu vực giảm so với năm trước thì con số 500 tỷ USD là thành quả của sự nỗ lực, cố gắng không ngừng từ Chính phủ đến các bộ, ngành, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp.
Kết quả ấn tượng này được cụ thể hóa bằng hàng loạt các con số đầy thuyết phục như: Hàng hóa Việt Nam đã có mặt ở trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; thị trường xuất khẩu trọng điểm như ASEAN, Nhật Bản đều có thị phần tăng... Ở chiều nhập khẩu, cơ cấu hàng nhập có tín hiệu tốt bởi hơn 91% là tư liệu phục vụ sản xuất cho hàng xuất khẩu thay vì các sản phẩm tiêu dùng.
Là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội đóng góp không nhỏ vào kết quả chung khi kim ngạch xuất khẩu 11 tháng qua đạt 15,083 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, đóng góp nhiều nhất là nhóm hàng linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi; máy móc, phụ tùng, thiết bị...
Năm 2020, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... đều dự báo nền kinh tế thế giới bấp bênh và ảm đạm. Song, lĩnh vực xuất khẩu của nước ta vẫn có cơ hội khi nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới được ký kết. Đặc biệt, riêng với việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), dự báo kim ngạch xuất khẩu vào EU có thể tăng 20% trong thời gian tới.
Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan bởi điều kiện nhập khẩu hàng hóa của các nước ngày càng khắt khe. Mặt khác, càng nhiều hiệp định thương mại được ký kết đồng nghĩa với sự ràng buộc giữa các quốc gia càng lớn. Vì thế, bất kỳ sự biến động nào của thế giới cũng có thể tác động trở lại nước ta.
Do đó, nền kinh tế phải kiên trì với định hướng xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững, hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu; vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị.
Muốn vậy, các cấp, ngành phải tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 (ban hành tại Quyết định 2471/QĐ-TTg ngày 28-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, cần quy hoạch phát triển những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Định vị những ngành hàng chủ lực để ưu tiên, xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng chuyên môn hóa... Ngoài ra là quan tâm đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, bến bãi, logistics… phục vụ cho lĩnh vực này.
Hoạt động đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu cũng cần được đẩy mạnh. Trong đó, phải chú trọng tính bền vững ở những thị trường truyền thống và tạo đột phá ở thị trường mới. Điều này đòi hỏi cập nhật kịp thời thông tin, dự báo tình hình thị trường trong nước, thế giới và những cơ chế, chính sách liên quan để doanh nghiệp nắm bắt, đáp ứng các yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Việc quan trọng nữa là, các bộ, ngành cần tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, tăng cường hoạt động đối thoại để mọi vướng mắc cùng được tháo gỡ. Bên cạnh đó, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu phải được thực hiện thực chất hơn nữa. Còn với doanh nghiệp, cần chủ động trước diễn biến thị trường, đổi mới công nghệ và phương thức quản lý để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Khi các giải pháp được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nhất định sẽ còn có nhiều kỷ lục mới về xuất, nhập khẩu được xác lập, góp phần quan trọng phát triển nền kinh tế nói chung.