Diễn đàn toàn cầu về người tị nạn lần thứ nhất: Nhiều cam kết tích cực
Thế giới - Ngày đăng : 07:15, 21/12/2019
Diễn đàn do Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Thụy Sĩ phối hợp đăng cai cùng 5 nước đồng chủ trì gồm Costa Rica, Ethiopia, Đức, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Tham dự sự kiện có hơn 400 đoàn với 3.000 đại biểu gồm đại diện các chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội dân sự, doanh nghiệp và đại diện người tị nạn...
Theo số liệu mới nhất do Liên hợp quốc công bố, số người di cư năm 2019 trên thế giới lên tới 272 triệu người, tăng 51 triệu người so với năm 2010 và chiếm 3,5% dân số thế giới. Tuy nhiên, 80% người tị nạn đang sống tại các nước nghèo và các nước đang phát triển, trong khi những quốc gia này phải tự chịu gánh nặng về kinh tế và xã hội. Do đó, việc chia sẻ trách nhiệm là vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của diễn đàn lần này.
Tuy nhiên, không nằm ngoài dự đoán, Diễn đàn toàn cầu về người tị nạn lần thứ nhất đã một lần nữa cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước. Từng nhiều lần cảnh báo sẽ mở cửa biên giới cho khoảng 5.000 người tị nạn đang ở nước này sang châu Âu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã “chĩa mũi nhọn” vào các cường quốc phương Tây khi cảnh báo nếu không nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, nước này sẽ tự tìm cách giải quyết. Các nhà lãnh đạo Costa Rica, Ethiopia và Pakistan thì nhấn mạnh đến sự cần thiết phải hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo và đang phát triển để ứng phó với làn sóng người tị nạn.
Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi cho biết, phần lớn người di cư có xu hướng chạy sang các nước láng giềng, nơi cũng có mức thu nhập trung bình hoặc điều kiện sống nghèo nàn. Đơn cử như các nước châu Phi hiện là nơi tiếp nhận gần 1/3 số người tị nạn trên thế giới. Báo cáo của Tổ chức Oxfam (Anh) chỉ ra rằng, các quốc gia giàu có như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp chỉ tiếp nhận 2,1 triệu người di cư trong khi nền kinh tế chiếm tới hơn 50% GDP toàn cầu.
Trong khi đó, tại châu Âu, vấn đề người tị nạn đã bị chính trị hóa khiến một số chính phủ không dám cam kết tiếp nhận người di cư gặp nạn trên biển trong hành trình chạy khỏi Libya, Syria hoặc các khu vực xung đột khác. Ngược lại, phần lớn người tị nạn trên thế giới sống ở các nước như Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Lebanon và Nam Phi mặc dù GDP của những quốc gia này chỉ chiếm chưa đầy 2% kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, các nước đang phát triển đã chào đón đại đa số người tị nạn một cách đáng ngưỡng mộ và phải được hỗ trợ nhiều hơn. Đáp lại lời kêu gọi của người đứng đầu Liên hợp quốc, tại diễn đàn này hơn 770 cam kết hỗ trợ tài chính đã được đưa ra. Bên cạnh đó, các đại diện tham dự cũng cam kết giúp người di cư có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận với việc làm, giáo dục, cơ sở hạ tầng, đồng thời hỗ trợ tích cực hơn cho các cộng đồng và quốc gia tiếp nhận người tị nạn. Trước thềm diễn đàn, UNHCR đã nhận được một số cam kết tài chính, trong đó có hơn 4,7 tỷ USD của Nhóm Ngân hàng Thế giới và 1 tỷ USD của Ngân hàng Phát triển liên Mỹ.
Dù vấn đề người di cư rất khó để giải quyết rốt ráo nhưng Diễn đàn toàn cầu về người tị nạn lần thứ nhất đã tạo ra những thay đổi tích cực về cách tiếp cận, thể hiện tầm nhìn dài hạn hơn trong việc trợ giúp những người phải rời bỏ quê hương để trốn chạy chiến tranh, bạo lực, nghèo đói với hy vọng tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.