Tạm giữ phương tiện giao thông trong xử lý vi phạm hành chính: Nguy cơ lãng phí tài sản xã hội

Đời sống - Ngày đăng : 08:00, 21/12/2019

(HNM) - Từ năm 2013 đến cuối năm 2019, số lượng phương tiện giao thông đường bộ bị công an các đơn vị, địa phương tạm giữ ngày càng gia tăng với tổng số hơn 4,3 triệu xe, trong đó mô tô, xe máy chiếm 92,1%. Thời hạn thi hành quyết định xử phạt được kéo dài tới 1 năm, trong khi nhà tạm giữ phương tiện thiếu và đã quá tải. Điều này đang gây nguy cơ lãng phí tài sản xã hội.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện công an các đơn vị, địa phương còn tồn đọng gần 137 nghìn phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính bị tạm giữ chưa xử lý được. Hiện công an của 32/63 tỉnh, thành phố phải thuê địa điểm tạm giữ phương tiện. Trong tổng số gần 137 nghìn phương tiện tồn đọng có hơn 37 nghìn phương tiện đã hư hỏng.

Số lượng xe máy vi phạm bị tạm giữ ngày càng tăng khiến các bãi giữ xe quá tải.

Tại Hà Nội, nơi dẫn đầu cả nước về kết quả xử lý vi phạm, hằng năm, lực lượng chức năng tạm giữ hơn 50 nghìn tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nhiều xe có thời gian tạm giữ quá dài đã hư hỏng, xuống cấp hoặc không còn giá trị sử dụng nhưng cơ quan chức năng vẫn phải quản lý.

Từ thực tiễn nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc kiến nghị thời gian tới cần rà soát, sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình thức cho chủ phương tiện đặt tiền bảo lãnh để được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền, nhằm hạn chế việc đưa các phương tiện về nơi tạm giữ. Đối với các phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn 30 ngày mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng thì ra quyết định tịch thu, bán đấu giá.

“Sở dĩ Bộ đưa ra đề xuất này vì theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt là 1 năm. Khi người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt, bỏ phương tiện thì phải chờ hết 1 năm cơ quan chức năng mới được thực hiện thủ tục xử lý phương tiện. Từ đó dẫn đến số lượng xe lưu kho tăng và thời gian tạm giữ kéo dài”, đồng chí Nguyễn Duy Ngọc lý giải.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cũng cho rằng, qua báo cáo và khảo sát thực tế cho thấy, với phương tiện đã cũ nát, sau khi bị tạm giữ, hầu hết người dân không đến nhận lại phương tiện do giá trị thấp, mức phạt cao, dẫn đến tồn kho. Vì vậy, đề xuất nêu trên rất cần xem xét, nghiên cứu.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cũng cho rằng, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm ngăn chặn hiệu quả những hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân tham gia giao thông rất quan trọng. Đối với các phương tiện vi phạm hành chính, nếu người vi phạm không đến nhận, hoặc không xác định được người vi phạm thì cơ quan, người có thẩm quyền cần khẩn trương ra quyết định tịch thu. Đại diện Bộ Tư pháp cũng ủng hộ việc bán đấu giá, hoặc thanh lý phương tiện theo hướng cải cách hành chính để nhanh chóng giải phóng phương tiện vi phạm ra khỏi các điểm trông giữ, tránh tình trạng quá tải, lãng phí tài sản xã hội.

Hà Phong