Đề cao tính nhân văn
Đời sống - Ngày đăng : 08:41, 21/12/2019
Đưa dịch vụ về cộng đồng
Mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy” (sau đây gọi là mô hình chuyển gửi) triển khai thí điểm tại các phường Cầu Diễn, Mỹ Đình 1, Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm); Bồ Đề, Ngọc Lâm, Ngọc Thụy (quận Long Biên). Mô hình hoạt động theo sự hướng dẫn, quản lý của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, sự hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI). Đây là mô hình cai nghiện ma túy đầu tiên ở nước ta có sự tham gia của công an cấp phường, xã trong việc giới thiệu, kết nối, chuyển gửi người sử dụng ma túy đến với các cơ sở tư vấn, hỗ trợ điều trị tự nguyện tại cộng đồng và cung cấp các dịch vụ y tế, xã hội có liên quan…
Thực hiện trách nhiệm được giao, các phường nêu trên đã đặt “Điểm tư vấn, hỗ trợ - điều trị nghiện ma túy” tại trụ sở trạm y tế của phường để người dân dễ dàng tiếp cận. Cùng với đó, các địa phương quan tâm bố trí đội ngũ cán bộ, nhân viên có kiến thức, kỹ năng tham gia vào quy trình hỗ trợ; đồng thời tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của ma túy; khuyến khích người sử dụng ma túy tự nguyện đi điều trị cai nghiện.
Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4-2019 đến nay, mô hình chuyển gửi đã cung cấp cho người sử dụng ma túy những dịch vụ cần thiết, như: Tư vấn, sàng lọc và can thiệp ngắn; tư vấn chuyển gửi đến dịch vụ xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng HIV; chuyển gửi đến các cơ sở điều trị cai nghiện ma túy; chuyển gửi tới dịch vụ hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ về hành chính, pháp lý liên quan đến công tác điều trị cai nghiện…
Anh T.H.T., phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) cho biết: “Sau thời gian điều trị cai nghiện thông qua các hoạt động trợ giúp tại cộng đồng, sức khỏe thể chất, tinh thần của tôi đang chuyển biến tích cực. Hiện nay, tôi vừa nỗ lực điều trị, vừa đi làm để có thêm nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống”.
Là người trải qua nhiều lần đi điều trị cai nghiện, hiện đã bỏ được ma túy, trở thành tuyên truyền viên tích cực tại cộng đồng, anh Nguyễn Đình Hưng, tổ dân phố số 4, phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) cho hay: Đa số người sử dụng ma túy, nhất là những người sử dụng ma túy tổng hợp lâu năm thường có suy nghĩ, hành vi tiêu cực. Những hành động, việc làm của họ để lại hậu quả nặng nề, dai dẳng cho bản thân, gia đình và xã hội, nhưng không phải ai cũng được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ điều trị cai nghiện vì nhiều lý do. Bởi vậy, việc đưa mô hình chuyển gửi về cộng đồng đã giúp người sử dụng ma túy tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cần thiết.
Theo thống kê của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội, từ tháng 4-2019 đến nay, các địa phương áp dụng thí điểm mô hình chuyển gửi đã hỗ trợ gần 200 người sử dụng ma túy được tiếp cận, tư vấn và chuyển gửi đến các dịch vụ trợ giúp, trong đó có hơn 60 người được chuyển gửi đến cơ sở dạy nghề, tạo việc làm...
“Hiệu quả bước đầu của mô hình chuyển gửi được ghi nhận thông qua việc hạn chế số lượng người sử dụng ma túy di biến động trên địa bàn; giúp người nghiện có thêm cơ hội lựa chọn hình thức điều trị. Thái độ ứng xử của người dân đối với người sử dụng ma túy cũng cởi mở hơn”, bà Đinh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên đánh giá.
Vướng đâu, gỡ đó
Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, việc tư vấn, hỗ trợ, điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng bước đầu mang lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên, do mới triển khai, nên các địa phương đang gặp khó khăn, lúng túng ở một số khâu.
Bà Lưu Minh Huyền, Phó Chủ tịch UBND phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) phản ánh: Trên thực tế còn không ít người sử dụng ma túy và gia đình họ có tâm lý e ngại khi tiếp xúc với các lực lượng chức năng, mặc dù thông tin về đối tượng luôn được giữ kín. Đội ngũ cán bộ, tư vấn viên, tình nguyện viên phải kiêm nhiệm nhiều việc, năng lực, chuyên môn về điều trị nghiện ma túy còn những hạn chế nhất định, nên hiệu quả tư vấn, chuyển gửi chưa cao. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại điểm tư vấn, hỗ trợ - điều trị nghiện ma túy chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Công tác chuyển gửi hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy chưa đạt kết quả như mong muốn…
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lập, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội cho biết, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội luôn khuyến khích, tạo điều kiện để các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác tư vấn, điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Tuy nhiên, mô hình chuyển gửi đang ở giai đoạn thí điểm, nên đòi hỏi các địa phương phải thực hiện linh hoạt, vướng đâu, gỡ đó, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Với trách nhiệm quản lý nhà nước về nội dung này, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội đang kiến nghị với các cơ quan chức năng chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người tham gia mô hình chuyển gửi được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ phù hợp; quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất cho các điểm tư vấn tại cộng đồng.
Còn ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) khẳng định, Cục sẽ tiếp thu các ý kiến phản ánh, kiến nghị của thành phố Hà Nội cũng như các địa phương khác về những bất cập nảy sinh trong quá trình triển khai mô hình chuyển gửi, để tìm giải pháp khắc phục trong các cuộc họp của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Trong bối cảnh hiện nay, trước mắt, các địa phương nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn lợi ích mà mô hình đem lại.