Đánh giá lại quy mô GDP để nhận diện sát thực "bức tranh" kinh tế
Xã hội - Ngày đăng : 07:00, 22/12/2019
Phù hợp xu hướng tăng trưởng đã công bố
- Vừa qua, chúng ta có đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017. Xin ông cho biết ý nghĩa của GDP và tại sao phải đánh giá lại GDP trong thời điểm này?
- GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, được coi là thước đo phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, quy mô và tốc độ phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, GDP còn dùng để biên soạn các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô; tính toán tỷ lệ huy động thuế vào ngân sách hay bội chi ngân sách so với GDP... để bảo đảm chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.
Thông qua các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đề ra các chính sách, giải pháp phát triển đất nước. Đây là lý do Tổng cục Thống kê phải rà soát, đánh giá lại GDP nhằm phản ánh sát thực hơn quy mô của nền kinh tế, từ đó có những chủ trương, chính sách đúng, sát với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Mặt khác, đây cũng là việc làm định kỳ. Trong quá trình biên soạn chỉ tiêu GDP ở bất cứ quốc gia nào luôn có những vấn đề phát sinh cần phải rà soát, đánh giá lại cả trong ngắn hạn và dài hạn. Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc đưa ra ba đợt đánh giá lại số liệu GDP nhằm xử lý những bất cập nảy sinh trong quá trình biên soạn. Đợt 1 và đợt 2 là các đánh giá lại ngắn hạn, được các quốc gia thực hiện thường xuyên trong quá trình biên soạn GDP; đợt 3 thực hiện điều chỉnh lớn, thường được triển khai khi có kết quả các cuộc tổng điều tra và các nguồn thông tin bổ sung khác.
Hiện là thời điểm phù hợp để đánh giá lại quy mô GDP vì thứ nhất chúng ta đang từng bước chuyển đổi, cập nhật phương pháp thống kê, đánh giá, tính toán các chỉ số kinh tế theo thông lệ quốc tế và khuyến nghị của cơ quan Thống kê Liên hợp quốc; bên cạnh đó là việc cập nhật Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2018, Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam 2018. Đồng thời, Tổng cục Thống kê đã hoàn thành và công bố kết quả các cuộc Tổng điều tra: Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 và năm 2016; kinh tế năm 2012 và năm 2017.
Ngoài ra, Tổng cục Thống kê đã ký quy chế phối hợp với nhiều bộ, ngành, trong đó có việc thực hiện chia sẻ thông tin với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, chúng tôi có thể cập nhật đầy đủ và chi tiết hơn thông tin về doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất trên phạm vi cả nước.
- Vậy kết quả cụ thể ra sao, thưa ông?
- So với quy mô GDP giai đoạn 2010-2017 đã công bố, quy mô GDP sau khi đánh giá lại theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm. Ví dụ như năm 2017, quy mô GDP sau khi đánh giá lại đạt 6,294 triệu tỷ đồng, tăng gần 1,3 triệu tỷ đồng so với số đã công bố trước đây (5,006 triệu tỷ đồng).
Về khu vực kinh tế, giá trị tăng thêm theo giá hiện hành của cả 3 khu vực đều tăng sau khi đánh giá lại, riêng quy mô khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ tăng khá lớn.
Cụ thể: Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sau khi đánh giá lại tăng thêm từ 25 nghìn tỷ đồng đến 46 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 5,4% đến 6,2% so với số đã công bố; khu vực công nghiệp và xây dựng sau khi đánh giá lại tăng thêm từ 211 nghìn tỷ đồng đến 555 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 27,6% đến 36,6% so với số đã công bố; khu vực dịch vụ sau khi đánh giá lại giai đoạn 2010-2017 tăng thêm từ 316 nghìn tỷ đồng đến 615 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 29,8% đến 39,6% so với số đã công bố.
Việc tăng thêm này chủ yếu do chúng ta đã cập nhật đầy đủ hơn số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, cũng như bổ sung thêm một số lĩnh vực mà trước đây chúng ta chưa đề cập tới.
Sau khi đánh giá lại quy mô GDP, tốc độ tăng GDP các năm giai đoạn 2011-2017 lần lượt là: 6,41%; 5,50%; 5,55%; 6,42%; 6,99%; 6,69%; 6,94%. Tốc độ tăng GDP hằng năm trong giai đoạn 2011-2017 hoàn toàn phù hợp với xu hướng tăng trưởng hằng năm công bố trước đó.
- Ông có thể nêu rõ về các yếu tố, nguyên nhân làm cho GDP tăng thêm?
- Qua rà soát, đánh giá lại GDP, cùng sự hợp tác với các chuyên gia thống kê quốc tế, chúng tôi đã nhận diện 5 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thay đổi quy mô GDP. Trong đó, có 4 nhóm nguyên nhân làm GDP tăng thêm gồm: Bổ sung thông tin từ các cuộc tổng điều tra; bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính; cập nhật lý luận mới của hệ thống tài khoản quốc gia năm 2008; rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế. Riêng nhóm nguyên nhân cập nhật lại phân ngành kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá là làm quy mô GDP giảm, nhưng mức giảm không đáng kể. Tính chung, chúng tôi xác định quy mô GDP cả giai đoạn 2010-2017 tăng thêm 25,4% như đề cập ở trên.
Đánh giá lại GDP góp phần làm tốt công tác điều hành
- Theo số liệu cập nhật, trước năm 2017, chúng ta đã bỏ sót 76 nghìn doanh nghiệp, không tính vào kết quả thống kê. Ông có thể giải thích lý do vì sao?
- Đúng là có việc bỏ sót kể trên và chúng tôi đã phát hiện ra nhờ tiến hành cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2017. Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên có nhiều. Trước hết, do số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong những năm qua tăng nhanh, bình quân tới hơn 100.000 doanh nghiệp/năm dẫn đến việc không chỉ ngành Thống kê mà các cơ quan quản lý khác, như thuế, bảo hiểm..., cũng chưa thể cập nhật đầy đủ, kịp thời.
Tiếp theo, chúng ta đều biết hầu hết doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ nên có thể không có bộ phận kế toán riêng. Vì vậy, cơ quan, cán bộ thống kê rất khó tiếp cận để thực hiện điều tra khảo sát. Bên cạnh đó, có một bộ phận doanh nghiệp không chấp hành đầy đủ trách nhiệm, quy định về cung cấp thông tin một cách chính xác, kịp thời cho cơ quan quản lý nhà nước nói chung, ngành Thống kê nói riêng. Cuối cùng, cần xác định một thực tế là, có một tỷ lệ doanh nghiệp không nhỏ chỉ có tên nhưng không hoạt động, không có mặt ở địa chỉ đăng ký kinh doanh vì nhiều lý do khác nhau...
Qua kinh nghiệm làm công tác thống kê, tôi cho rằng các số liệu thống kê là đầu vào rất quan trọng, cần được thu thập, xử lý theo tiêu chí trung thực, chính xác, kịp thời để phục vụ yêu cầu của các cơ quan, đơn vị, cá nhân... vào nhiều mục đích khác nhau. Đặc biệt, đây là yếu tố cụ thể giúp các cấp thẩm quyền trong công tác lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực... và điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, nếu chỉ riêng ngành Thống kê thì chưa đủ để đảm nhiệm hết tất cả các yêu cầu, nhất là về thông tin, số liệu của những vấn đề nhạy cảm, có tính chất đặc thù. Do đó, chúng tôi mong nhận được sự quan tâm, hợp tác, chia sẻ thông tin từ các cơ quan, đơn vị để con số đưa ra sát thực ở mức độ tối đa.
- Đánh giá lại tức là sẽ có những số liệu mới thay cho số liệu cũ. Vậy ông có thể cho biết tác động của việc đánh giá lại GDP đối với nền kinh tế ra sao?
- Đánh giá lại quy mô GDP tác động đến định hướng chính sách vĩ mô của nền kinh tế trên các phương diện. Trước hết, việc này cho thấy quy mô của nền kinh tế và GDP bình quân đầu người tăng, "bức tranh" kinh tế của đất nước được nhận dạng sát thực và rõ nét hơn, đặc biệt là "bức tranh" tiêu dùng của nền kinh tế.
Đánh giá lại quy mô GDP phản ánh sự thay đổi về cơ cấu kinh tế của 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và dẫn tới thay đổi các chỉ tiêu có liên quan tới GDP, đặc biệt các chỉ tiêu mang tính "đòn bẩy" của nền kinh tế, như: Tỷ lệ thu, chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài so với GDP. Các chỉ tiêu này thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách tài khóa và tiền tệ. Sự thay đổi của các chỉ tiêu "đòn bẩy" cho thấy khả năng mở rộng hoặc thu hẹp dư địa thu ngân sách, điều chỉnh tỷ lệ thu thuế, chi tiêu và nợ công.
Do điều chỉnh quy mô GDP nên bình quân GDP tính trên đầu người tăng lên mức gần 3.000USD nhưng không tác động đến đời sống người dân. Mặt khác, việc điều chỉnh quy mô GDP cùng với kinh tế vĩ mô và hệ thống chính trị, an ninh ổn định trong khi Việt Nam tham gia sâu rộng vào các hợp tác song phương, đa phương đã và đang nâng tầm vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Tuy vậy, việc quy mô nền kinh tế mở rộng và GDP bình quân đầu người tăng có thể làm tăng mức đóng góp của nước ta cho các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên; sự ưu đãi về kinh tế từ các tổ chức tài chính quốc tế không còn như những năm trước, chính sách cho Việt Nam vay vốn cũng sẽ thay đổi, như với nguồn vốn ODA hay các khoản vay ưu đãi sẽ ngặt nghèo hơn.
- Trân trọng cảm ơn ông.