Yêu cầu cấp thiết
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:39, 23/12/2019
Tuy nhiên, ở những lĩnh vực có tầm ảnh hưởng rộng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp như đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu, thuế... vẫn đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Do sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của pháp luật, nhất là một số quy định trong Luật Đất đai với các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản… doanh nghiệp đã phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, mất nhiều thời gian, chi phí tốn kém.
Đáng nói hơn, trong quá trình thực thi pháp luật, doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra ở các lĩnh vực khác nhau; trong cùng một lĩnh vực nhưng nhiều quy định lại không thống nhất, nằm ở nhiều văn bản khác nhau, tạo kẽ hở cho người thực thi pháp luật có thể dễ dàng lợi dụng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp… Dù không ít những xung đột, mâu thuẫn pháp lý đã được doanh nghiệp chỉ ra nhưng một số cơ quan quản lý lại chậm khắc phục, có biểu hiện thờ ơ, đối phó, đủng đỉnh như “không phải việc của mình”.
Vì thế, yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là phải sớm xóa bỏ những tồn tại, hạn chế ấy bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất. Các bộ, ngành chức năng cần khẩn trương rà soát toàn diện những quy định của ngành mình quản lý để có những tham mưu, đề xuất cụ thể nhằm tháo gỡ “nút thắt” chồng chéo, bất cập và mâu thuẫn trong pháp luật.
Trên tinh thần đó, việc Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt do đại diện Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng để thẩm định, thẩm tra lại các văn bản quy phạm pháp luật, tìm ra điểm không còn phù hợp và sửa đổi đã đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Với vai trò, trách nhiệm của mình, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan khi đề xuất chỉnh sửa, bổ sung một lĩnh vực nào đó cần bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với quy định hiện hành; đồng thời có thể nghiên cứu áp dụng phương thức một luật sửa nhiều luật để các vướng mắc có thể được tháo gỡ nhanh hơn…
Về lâu dài, trong quá trình soạn thảo pháp luật, các bộ, ngành cần phải phối hợp chặt chẽ, tránh tư duy “quyền anh, quyền tôi”. Trên tinh thần vì lợi ích chung phát triển kinh tế đất nước, tuyệt đối không được lợi dụng để "cài cắm" lợi ích riêng; phải thay đổi tư duy, cách thức xây dựng luật cũng như cơ chế nhận biết, loại bỏ quy định không cần thiết, bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi.
Cũng cần nói thêm là các quy định pháp luật trước khi ban hành phải có đánh giá tác động đối với doanh nghiệp và người sản xuất, kinh doanh. Do vậy, các doanh nghiệp cần được tham gia sâu vào quá trình soạn thảo chính sách pháp luật, bởi nếu sau khi thi hành mới phát hiện bất cập, chồng chéo thì sẽ gây khó khăn cho việc tiếp thu, sửa đổi. Ngược lại, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh tuyên truyền, công khai các dự thảo luật và các doanh nghiệp cũng phải tích cực tham gia vì quyền lợi của chính mình.
Tóm lại, việc sửa đổi, bổ sung, tinh giản các quy định pháp luật cần phải được làm một cách tích cực, thực chất nhất, góp phần tạo dựng cho được môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng cho doanh nghiệp, tránh tình trạng trên "trải thảm", dưới "trải đinh"; từ đó, kích phát tối đa tiềm năng của cộng đồng doanh nghiệp, bảo đảm cho tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.