Dệt may "bắt nhịp" với Cách mạng 4.0
Kinh tế - Ngày đăng : 06:58, 23/12/2019
Cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến nhiều lợi ích nhưng đồng thời cũng mang lại không ít áp lực cho ngành Dệt may. Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX), ngành Dệt may hiện nay sử dụng gần 3 triệu lao động, nếu tính cả lao động liên quan như logistics, hoạt động phụ trợ cho dệt may thì số lượng lao động lên tới 5 triệu người.
Tuy nhiên, Cách mạng công nghiệp 4.0 với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất sẽ khiến dôi dư lực lượng lao động giản đơn. Bởi hiện nay, ngành Dệt mang có 84,4% lao động phổ thông trong khi lao động có trình độ đại học chỉ chiếm 0,1%.
Một thách thức nữa, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, là chi phí sản xuất ngày càng tăng và có xu hướng dịch chuyển đơn hàng có giá trị thấp về các nước như Bangladesh, Campuchia vì ở đó tiền lương cho người lao động thấp. Mặt khác, khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì thách thức các doanh nghiệp không thể bỏ qua đó là xu hướng fast fashion (thời trang ăn liền hay thời trang nhanh) sản xuất trong thời gian cực ngắn. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp một mùa mới đưa ra mẫu mới thì bây giờ mẫu mới xuất hiện hằng tuần.
Đặc biệt, gần đây các hãng thời trang ngoại như Zara, H&M “đổ bộ” vào Việt Nam với giá bình dân, không những gây áp lực cho doanh nghiệp trong nước về tiến độ sản xuất mà còn cả về giá cả. Song, đây cũng chính là động lực để các doanh nghiệp nội phải thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh và giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn.
Trước sự chuyển đổi của công nghệ số và cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may phải chuyển hướng, thay đổi mục tiêu sản xuất kinh doanh và thay đổi công nghệ. Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp, Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội nêu rõ, ứng dụng thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành điều kiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp muốn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tuy nhiên nguồn vốn để đầu tư không hề nhỏ. Chỉ những doanh nghiệp may có tổng vốn trên 50 tỷ đồng, doanh nghiệp sợi có tổng vốn trên 100 tỷ đồng mới có khả năng đầu tư ứng dụng công nghệ mới.
Đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp này, nhiều doanh nghiệp đã có sự chủ động như Tổng công ty cổ phần May 10, Tổng công ty May Nhà Bè - CTCP, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ, Công ty May Đức Giang…
Chia sẻ về điều này, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 cho biết, đơn vị đã áp dụng các phần mềm công nghệ thông tin vào quản lý, nhờ đó thời gian sản xuất một sản phẩm giảm từ 1.980 giây xuống 1.200 giây và hiện chỉ còn 690 giây/sản phẩm. Mỗi công nhân có thể điều khiển 2 máy, thay vì 2 người điều khiển một máy như trước. Nhờ áp dụng các giải pháp về công nghệ, May 10 đã tăng năng suất lao động lên 52%; tỷ lệ hàng lỗi giảm 8%, tăng thu nhập cho công nhân trên 10%...
Để bắt kịp với xu hướng, thị hiếu người tiêu dùng toàn cầu, theo ông Lê Tiến Trường, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp dệt may cần chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống chủ yếu là gia công sang tự thiết kế và sản xuất thành phẩm. Các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ hiện đại, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhạy bén với thị trường. Muốn làm được điều đó cần thay đổi tư duy hệ thống, phát triển nguồn lực trước khi đầu tư công nghệ. Đó là giải pháp bền vững, mang lại hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần hướng tới phát triển bền vững, ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ nhằm "xanh hóa" ngành Dệt may; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án tiên tiến, nhất là các dự án nhuộm vải không gây tác động xấu đến môi trường...