Nông nghiệp Việt Nam: Có nhiều điểm sáng dù phải đối mặt với nhiều thách thức
Nông nghiệp - Ngày đăng : 20:01, 23/12/2019
Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố, hiệp hội, ngành nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã. Về phía Hà Nội dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2019, sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Ngành còn chịu tác động lớn bởi thiên tai, dịch bệnh; thời tiết gây hạn hán, lũ lụt, cháy rừng ở một số nơi...
Năm 2019, toàn ngành duy trì đà tăng trưởng khá và đạt những kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra; ước tính tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,2% (trong đó, thủy sản tăng cao nhất là 6,12%, lâm nghiệp tăng khá 3,98%). Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2019 dự kiến đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,2% so với năm 2018.
Chính phủ đã bố trí 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ phòng, chống Bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, nhiều địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh và duy trì chăn nuôi lợn an toàn sinh học… Nhờ vậy, sản lượng sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng mạnh như: Thịt gia cầm đạt 1,3 triệu tấn; tăng 15%; trứng gia cầm tăng 12%; gia súc lớn tăng 4,2%...
Đến hết năm 2019, cả nước có 4.806 xã (54%) đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành trước 1,5 năm và vượt mục tiêu 10 năm (2010-2020); đã có 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Không có chuyện thiếu thịt lợn
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Nông nghiệp là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Năm 2019, ngành nông nghiệp đối mặt với 3 vấn đề thách thức lớn: Cạnh tranh quyết liệt trong thương mại toàn cầu, xu hướng bảo hộ, chiến tranh thương mại có nhiều phức tạp; dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng xảy ra, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn châu Phi khiến cả nước đã tiêu hủy 8% tổng đàn; biến đổi khí hậu, diễn biến cực đoan của thời tiết: Nắng nóng kéo dài bất thường gây hạn hán, cháy rừng, thiếu hụt mưa lớn gây hạn/mặn cuối năm…".
Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam có nhiều điểm sáng, nỗ lực phấn đấu vượt 3-4 chỉ tiêu của Chính phủ đã giao; tổ chức sản xuất liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ đổi mới, phát triển nông nghiệp trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự phối hợp với các bộ, ngành trong tìm thị trường để có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu. Nhiều hợp tác xã kiểu mới thành lập, nhiều đơn vị ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 đưa vào sản xuất để tạo ra nhiều mặt hàng nông nghiệp chất lượng cao. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích trước 1,5 năm kế hoạch - đây là thành công của Việt Nam, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận sự nỗ lực kết quả của toàn ngành nông nghiệp, các cấp ủy chính quyền địa phương, nông dân, doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đánh giá cao việc chủ động thực hiện quyết liệt phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng cho rằng, công tác này đạt hiệu quả rõ rệt, giảm tối đa thiệt hại và chúng ta đã giữ được 25 triệu con lợn, đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu, “chứ không có chuyện thiếu thịt lợn”. Hiện nay, giá thịt lợn đã có xu hướng giảm. Thủ tướng đề nghị xử lý nghiêm việc phao tin đồn thất thiệt để trục lợi từ vấn đề này.
Từ kết quả tích cực của ngành nông nghiệp, Thủ tướng tặng ngành 10 chữ: Chủ động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng và hiệu quả. Biểu dương nỗ lực của toàn ngành, Thủ tướng đánh giá cao cá nhân Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo sát sao, tác phong “miệng nói tay làm”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, yếu kém như cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Công nghiệp chế biến chưa phát triển đồng đều, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm. Lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao, trong đó lao động thời vụ, nhàn rỗi là nguyên nhân khiến năng suất lao động Việt Nam thấp.
Về mục tiêu nông nghiệp năm 2020 và các năm sau, Thủ tướng đồng ý với báo cáo của Bộ NN&PTNT, nhấn mạnh năm 2020 có nhiều sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, ngành nông nghiệp phải đóng vai trò tốt hơn để giải quyết vấn đề khó khăn cho đời sống, cho sản xuất, xuất nhập khẩu. Phải nắm được dự báo tình hình thời tiết, cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề dịch bệnh, xu hướng bảo hộ, hàng rào kỹ thuật… đang gia tăng.
Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp Việt Nam đạt một số mục tiêu năm 2020: Tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp đạt 3%, cao hơn năm nay. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng mà Quốc hội đã giao là 42%, tỉ lệ đạt chuẩn nông thôn mới 59%, ít nhất có 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp để cả nước có 17.000 hợp tác xã nông nghiệp.
Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp trung bình đạt 3-3,5%; thêm 5 nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên để đưa Việt Nam có 15 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất 1 tỷ USD trở lên, tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và thứ 10 thế giới…
Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành nông nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đặc biệt, coi chế biến hàng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu là nhiệm vụ quan trọng.
Ngành nông nghiệp cần tiếp tục chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; triển khai có hiệu quả công tác phát triển trồng rừng, nghiêm cấm việc chặt phá rừng tự nhiên; phát triển sản phẩm dưới tán rừng…
Về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, các xã còn lại chưa đạt chuẩn nông thôn mới phần lớn khó khăn về kinh tế ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa... rất cần nhiều nguồn lực từ bên ngoài; các bộ, ngành bố trí vốn để chương trình này thực hiện không ngừng nghỉ, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng các thể chế văn hóa nông thôn, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Thủ tướng Chính phủ cũng ghi nhận ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội và giao Văn phòng Chính phủ tập hợp, giao các bộ, ngành cùng tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, phục vụ nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.