Chuyên gia chỉ ra sai lầm khiến trẻ lâu khỏi cúm
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:35, 24/12/2019
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hằng năm ở Việt Nam trung bình có trên 800.000 người mắc cúm, số ca mắc thường gia tăng vào các thời điểm giao mùa. Tính đến đầu tháng 12-2019, đã có trên 400.000 người mắc cúm, thấp hơn rất nhiều so với số mắc trung bình hằng năm và thấp hơn 15% so với cùng kỳ 2018.
Hiện chưa ghi nhận sự bất thường về số lượng mắc cũng như chủng virus cúm. Theo kết quả giám sát trọng điểm bệnh cúm tại khu vực miền Bắc, chủng gây bệnh chủ yếu là chủng cúm A (H1N1) và cúm B. Hiện chưa ghi nhận chủng vi rút cúm mới cũng như chưa thấy có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người tại Việt Nam.
Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Những ngày qua, nhiều ca mắc cúm, đặc biệt là cúm A được ghi nhận, trong đó có không ít trẻ nhỏ. Tại Khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, mỗi ngày các bác sĩ khám cho khoảng 50 - 60 trẻ, chủ yếu bị sốt cao 39 - 40 độ C và có các triệu chứng ho, nhức đầu, sổ mũi...
Thông thường, khi trẻ bị ốm sốt, sổ mũi, phụ huynh thường dùng khăn xô sữa mềm lau mũi cho trẻ vì nghĩ làm như vậy da trẻ sẽ không bị đau và an toàn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Thị Như Hoa - Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, đây là thói quen sai lầm. Lý do là bởi, trong trường hợp bé bị cúm, sau mỗi lần dùng khăn xô lau, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ, vi rút vẫn bám trên khăn, việc tái sử dụng khăn khiến trẻ bệnh chồng bệnh và không thể khỏi được.
“Chưa kể, khăn sữa sau một thời gian sử dụng sẽ rất bẩn, khi lau cho trẻ xong, rất nhiều vi khuẩn và vi rút bám lên khăn”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Vì vậy, khi trẻ bị cúm, cần vệ sinh đường hô hấp cho trẻ bằng cách vệ sinh mũi, miệng nhưng không nên dùng khăn xô, thay vào đó dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng.
Nếu dùng khăn xô sữa lau cho trẻ, cần khử trùng khăn nhằm tránh lây nhiễm chéo cho trẻ bằng cách thường xuyên giặt khăn; chia ra các loại khăn khác nhau, giặt phơi riêng; thay khăn thường xuyên khoảng 3 tháng/lần và thay khăn mới nếu khăn bị khô, xơ, bị nhớt, có mùi hôi; phơi khăn ở nơi thoáng mát, thoáng khí, dưới ánh nắng mặt trời; cất giữ khăn bằng cách cuộn tròn khăn nhằm tránh ảnh hưởng đến chất lượng khăn và khăn bị nhăn.
Bác sĩ Phạm Thị Như Hoa khuyến cáo, dịch cúm A đang phát triển mạnh. Vì vậy, nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt đột ngột, thường là trên 38 độ C hoặc cao hơn; ho (thường ho khan); viêm họng; chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; chảy nước, mắt đỏ; nhức mỏi cơ thể; đau đầu; mệt mỏi; tiêu chảy; buồn nôn và nôn, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.