Sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô: Hạn chế tối đa nguy cơ mất an toàn
Giáo dục - Ngày đăng : 07:06, 24/12/2019
Quy rõ trách nhiệm từng đơn vị, cá nhân
Ngay khi xảy ra trường hợp học sinh tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường vào tháng 8-2019 ở Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đến nay, tất cả các trường học có dịch vụ xe ô tô đưa đón học sinh đều đã xây dựng, ban hành quy trình đưa đón học sinh, trong đó quy rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong việc tham gia thực hiện quy trình này.
Chịu trách nhiệm tổ chức, giám sát 25 xe ô tô phục vụ đưa đón học sinh hằng ngày, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Academy (quận Tây Hồ) Doãn Minh Cường cho biết, nhằm quản lý, hỗ trợ tốt nhất cho học sinh trên xe, mỗi xe đều phải có 2 người, gồm lái xe và giám sát viên mang trang phục đúng quy định và đeo thẻ của nhà trường. Để tránh tình trạng lộn xộn, khi xe tới trường, giám sát viên trực tiếp bàn giao số lượng học sinh trên xe cho giáo viên, khi giáo viên kiểm tra đủ số lượng thì học sinh mới di chuyển khỏi xe về khu vực lớp học. Trước khi xe rời trường, cả lái xe và giám sát viên đều có trách nhiệm kiểm tra xe, bảo đảm không còn sót học sinh nào trên xe.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu thông tin, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã yêu cầu các nhà trường xây dựng quy trình đưa đón học sinh chặt chẽ, khép kín, bảo đảm không để lọt bất cứ nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh. Trách nhiệm của nhà trường, đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình học sinh trong quy trình đưa đón học sinh cũng được xác định và có cam kết thực hiện. Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm của các trường có dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô đã được quán triệt yêu cầu tăng cường trách nhiệm trong quản lý, kiểm soát sĩ số học sinh đi học hằng ngày, kịp thời thông báo cho phụ huynh khi học sinh vắng mặt mà chưa rõ lý do.
Còn tại huyện Chương Mỹ, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nguyễn Đức Hòa, ngay từ đầu năm học 2019-2020, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã yêu cầu các đơn vị tuân thủ nghiêm túc các quy định trong việc tổ chức dịch vụ. Trước khi ký hợp đồng, nhà trường kiểm tra kỹ về tính pháp lý và các điều kiện bảo đảm an toàn của từng xe, nhất là về niên hạn sử dụng.
Ở nhiều nơi, phụ huynh học sinh cũng thể hiện trách nhiệm trong việc cùng nhà trường ngăn ngừa rủi ro cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô. Ông Trần Văn Lâm, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Tiền Phong B (huyện Mê Linh) cho biết: "Trước khi ký hợp đồng, chúng tôi đã kiểm tra kỹ về tính pháp lý và các điều kiện bảo đảm an toàn của từng xe, nhất là về niên hạn sử dụng. Phụ huynh cũng cử người giám sát chặt chẽ, tránh việc đơn vị vận tải đưa phương tiện không đủ điều kiện chở học sinh hoặc sử dụng lái xe có dùng chất kích thích, ma túy…".
Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp
Số liệu rà soát của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, tính đến tháng 11-2019, toàn thành phố có 246 trường, 2.293 xe tổ chức dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô với gần 41.000 học sinh sử dụng. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho hay, cùng với chỉ đạo các nhà trường rà soát và hoàn thiện quy trình đưa đón học sinh chặt chẽ hơn, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, công an các quận, huyện, thị xã, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các phương tiện kinh doanh vận tải có hợp đồng đưa đón học sinh; kiểm tra và chấn chỉnh các nhà trường về việc tổ chức dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô…
Theo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, Thanh tra Sở phối hợp với công an và các đơn vị liên quan kiểm tra các phương tiện kinh doanh vận tải có hợp đồng vận chuyển học sinh và đã xử lý 39 trường hợp vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn đối với 9 trường hợp… Tuy nhiên, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, có nơi vẫn chưa thực sự nghiêm túc trong việc thực hiện các quy định chung; một số cá nhân chưa làm tròn trách nhiệm trong quản lý, giám sát học sinh...
Xác định việc bảo đảm an toàn cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, nhà trường tăng cường triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, trong đó có việc sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô. Sở cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức tập huấn cho học sinh kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm, như: Gặp sự cố ở trên xe mà không có người trợ giúp, cách mở cửa lên, xuống xe; cách phát tín hiệu cấp cứu; sử dụng các dụng cụ thoát hiểm…