Nhiệm kỳ nhiều khó khăn của Tổng thống Afghanistan
Thế giới - Ngày đăng : 07:17, 24/12/2019
Theo Ủy ban Bầu cử độc lập Afghanistan, ông A.Ghani đã giành được 50,64% số phiếu trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 28-9 vừa qua, trong khi đối thủ của ông là ông Abdullah Abdullah chỉ giành được 39,52% số phiếu.
Ủy ban Bầu cử độc lập Afghanistan đã phải 2 lần trì hoãn việc công bố kết quả sơ bộ, ban đầu là vào ngày 19-10, sau đó là 14-11, do các vấn đề về kỹ thuật. Cho rằng có gian lận đối với khoảng 300.000 phiếu bầu, đảng của ông A.Abdullah từng ngăn chặn việc kiểm phiếu tại 7 tỉnh miền Bắc Afghanistan.
Điều đó khiến dư luận lo ngại nguy cơ tái diễn khủng hoảng từng xảy ra sau cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan năm 2014. Khi đó, ông A.Ghani và ông A.Abdullah chạy đua sát sao và nhiều cáo buộc gian lận được đưa ra khiến Mỹ phải đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Tuy nhiên, phát biểu với báo giới ngày 13-12, ông A.Abdullah đã quyết định ngừng phản đối việc kiểm phiếu, một động thái giúp dỡ bỏ trở ngại đối với việc công bố kết quả bầu cử cuối cùng.
Theo Chủ tịch Ủy ban Bầu cử độc lập Afghanistan, Alam Nuristani, Ủy ban đã hoàn thành tiến trình kiểm phiếu, với sự trung thực, trung thành, có trách nhiệm và đáng tin cậy. Phái bộ Liên hợp quốc tại Afghanistan đã hoan nghênh kết quả bỏ phiếu sơ bộ, đồng thời kêu gọi các ứng cử viên thể hiện quan điểm phù hợp với khuôn khổ luật pháp.
Các nhà phân tích nhận định, dù đã giành chiến thắng, song thực tế, ông A.Ghani vẫn ở thế bất lợi, khi không đạt nhiều thành công trong nhiệm kỳ vừa qua. Mặc dù đã nỗ lực xây dựng hình ảnh bản thân như một nhà kỹ trị cải cách, với tầm nhìn chiến lược về kinh tế và hiện đại hóa, song ông A.Ghani lại bị chỉ trích là nhà lãnh đạo thiếu kiên nhẫn và bị cô lập. Đặc biệt, việc ông thừa nhận đất nước đã mất đi 45.000 nhân viên an ninh dưới quyền chỉ huy của mình khiến người dân càng khó tin tưởng ông hơn.
Đàm phán với Taliban được xem như chìa khóa cho hòa bình của Afghanistan, song nỗ lực của ông A.Ghani nhằm khởi động đối thoại hòa giải dân tộc dường như vẫn “giậm chân tại chỗ”. Đưa ra cương lĩnh tranh cử với cam kết đoàn kết đất nước và chấm dứt nội chiến, nhưng ông A.Ghani không đưa ra kế hoạch chi tiết thúc đẩy tiến trình hòa bình và phát triển kinh tế đất nước. Điều này cho thấy những khó khăn của đương kim Tổng thống Afghanistan trong việc hoạch định chương trình hành động cụ thể để giải quyết vấn đề lớn của quốc gia Nam Á này.
Dẫu vậy, sau khi các cuộc đàm phán giữa Taliban với Mỹ bị Washington đình chỉ thì đầu tháng 12 này, các quan chức Mỹ đã nối lại đàm phán với đại diện phiến quân Taliban tại Qatar. Cuộc thảo luận tập trung vào việc giảm tình trạng bạo lực, theo đó sẽ dẫn tới các cuộc đàm phán trong nội bộ Afghanistan và một lệnh ngừng bắn. Đây là một trong những yếu tố then chốt nhằm mở đường hướng tới các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Taliban và chính quyền tại Kabul, và cuối cùng là có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình sau gần hai thập niên chiến tranh.
Bạo lực và khủng bố là thách thức lớn nhất với Afghanistan lúc này. Khi đất nước vẫn chìm trong bất ổn, tiến trình hòa giải dân tộc chưa được khởi động thì an ninh đất nước và an toàn của người dân đang là nhiệm vụ không dễ dàng cho Tổng thống A.Ghani trong nhiệm kỳ tới. Bởi với người dân Afghanistan, hòa bình dù mong manh vẫn là mong mỏi lớn nhất, ổn định lâu dài và giảm sự can dự của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ đất nước vẫn là mục tiêu hàng đầu.