“Cao điểm” bánh mứt kẹo không rõ nguồn gốc

Kinh tế - Ngày đăng : 07:41, 24/12/2019

(HNM) - Còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các mặt hàng bánh mứt kẹo bắt đầu vào mùa cao điểm. Đây cũng là thời điểm các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng kém chất lượng đẩy mạnh hoạt động đưa hàng ra thị trường. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng, người dân nên thận trọng với bánh mứt kẹo không rõ nguồn gốc.

Lực lượng chức năng kiểm tra thu giữ bánh kẹo không rõ nguồn gốc.

Những ngày này, tại khu vực chợ Đồng Xuân, cùng các tuyến phố chuyên kinh doanh bánh mứt kẹo như: Hàng Buồm, Hàng Đường (quận Hoàn Kiếm)... đã tràn ngập đủ loại bánh mứt kẹo phục vụ Tết. Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại phố Hàng Buồm, bên cạnh các loại bánh kẹo mang thương hiệu Việt Nam như Kinh Đô, Bibica..., các cửa hàng bày bán rất phong phú các loại bánh kẹo nhập khẩu có chữ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… Tuy nhiên, nhiều loại bánh kẹo ngoại được bán theo cân không có nhãn phụ tiếng Việt, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm thường xảy ra ở các mặt hàng như: Trái cây, bánh mứt kẹo, rượu, thực phẩm chế biến, thực phẩm chức năng... Một số mặt hàng có chất lượng cao hơn, xuất xứ từ Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng không có hóa đơn, chứng từ…, được đưa vào Hà Nội để tiêu thụ và trung chuyển tới các địa phương khác.

Đáng chú ý, mới đây, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) kiểm tra đột xuất hai cơ sở sản xuất bánh, mứt tại Khu công nghiệp La Phù (huyện Hoài Đức), đã phát hiện, thu giữ hàng nghìn hộp mứt, bánh kẹo kém chất lượng. Trong đó, cơ sở sản xuất bánh kẹo Tú Tài chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Các mặt hàng thành phẩm và nguyên liệu của cơ sở này đều có dấu hiệu vi phạm về định lượng. Lực lượng chức năng đã lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm, đồng thời tạm giữ trên 1.000 hộp bánh thành phẩm các loại, 27kg bánh nguyên liệu, 400 vỏ hộp và 100 khay nhựa...

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) phối hợp với Công an thành phố Hà Nội và Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) kiểm tra 3 xe ô tô có dấu hiệu nghi vấn ở cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Theo xác minh ban đầu, tổng số bánh kẹo được vận chuyển trên 3 xe khoảng 30 tấn, không có chứng từ chứng minh nguồn gốc...

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội Vương Trọng Tuấn cho biết, hầu hết các sản phẩm bánh mứt kẹo làm giả đều có nguồn gốc từ các cơ sở tư nhân không có đủ điều kiện về máy móc, chỉ tiêu chất lượng nên không đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Để tránh tình trạng mua phải hàng hóa không bảo đảm chất lượng, người tiêu dùng nên đến các cửa hàng, siêu thị uy tín.

Còn bà Nguyễn Hà Trang, nhân viên siêu thị Big C Thăng Long chia sẻ kinh nghiệm, để tránh mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng nên kiểm tra mã QR Code sản phẩm trước khi mua.

Ông Chu Xuân Kiên thông tin thêm, thực hiện Kế hoạch số 248/KH-UBND ngày 2-12-2019 của Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại nhằm triển khai đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trước, trong và sau Tết Canh Tý 2020, từ ngày 1-12-2019 đến 28-2-2020, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại. Trong đó, bánh mứt kẹo là một trong những mặt hàng được lực lượng chức năng chú trọng.

“Phạm vi kiểm tra bao gồm cả các siêu thị, trung tâm thương mại, kho chứa hàng, các chợ truyền thống, cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm. Ngoài nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, chúng tôi kiểm soát cả việc thực hiện quy định về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết...; xử lý nghiêm bánh mứt kẹo không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng”, ông Chu Xuân Kiên nói.

Thanh Hiền