Cần dự báo, kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm gây dịch
Xã hội - Ngày đăng : 17:01, 25/12/2019
PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trong năm 2019, tại Hà Nội, một số bệnh dịch có số mắc cao. Cụ thể, trên địa bàn thành phố ghi nhận 12.179 ca sốt xuất huyết, 1.764 ca sởi, 1.045 ca tay chân miệng, 117 ca ho gà... Do chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch nên số mắc tăng nhưng dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, không để bùng phát thành dịch lớn và không có trường hợp tử vong.
Cũng trong năm 2019, Hà Nội tiến hành rà soát, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, sắp xếp lại các phòng chức năng… của các trạm y tế. Cùng với đó, thành phố cũng đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu dân số, như: Giảm tỷ suất sinh thô, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, tỷ số giới tính khi sinh là 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái, tăng tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, dù đạt được những kết quả đáng phấn khởi, nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận ở cả 3 lĩnh vực: Phòng chống dịch bệnh, dân số và mô hình trạm y tế điểm vẫn còn những tồn tại, bất cập. Cụ thể, dịch sốt xuất huyết và sởi được kiểm soát, không có tử vong, nhưng số mắc trong năm 2019 vẫn cao hơn mức trung bình trong 5 năm gần đây; mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình chất lượng chưa đồng đều; một số huyện có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh còn ở mức cao...
Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2019, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đề nghị, ngành Y tế Thủ đô cần chú trọng đến công tác dự báo, kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm gây dịch. Các địa phương phải chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách thường xuyên, liên tục; thực hiện tốt công tác tiêm chủng. Mặt khác, tập trung các giải pháp, biện pháp thực hiện các chỉ tiêu dân số ngay từ những ngày đầu năm, nhất là ở các huyện.
Đặc biệt, tại các địa phương phải quan tâm tới chất lượng hoạt động và tính bền vững của mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, chứ không chỉ chạy theo số lượng. Việc tăng cường bác sĩ từ các bệnh viện về khám chữa bệnh tại trạm y tế cần căn cứ vào nhu cầu, mô hình bệnh tật của địa phương, thời gian xuống khám chữa bệnh hợp lý để tạo điều kiện cho người dân được hưởng dịch vụ có chất lượng.