Bữa ăn học sinh bán trú khi giá thịt lợn tăng: Bảo đảm đủ dinh dưỡng
Giáo dục - Ngày đăng : 06:36, 25/12/2019
Nhà trường gặp khó
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại nhiều trường những ngày qua cho thấy, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm chung của nhà trường, phụ huynh học sinh là làm thế nào để duy trì bữa ăn bán trú bảo đảm chất lượng dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong bối cảnh giá thịt lợn tăng.
Bà Huỳnh Minh Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh (quận Tây Hồ) cho biết: "Hiện nhà trường có gần 800 trẻ ăn bán trú. Trong số các thực phẩm thường sử dụng, thịt lợn là thực phẩm chính. Hầu hết trẻ mầm non cũng thích những món ăn được chế biến từ thịt lợn như thịt băm, thịt viên, đậu nhồi thịt… Bởi vậy, giá thịt lợn tăng khiến cho việc điều tiết bữa ăn vất vả hơn".
Còn bà Trần Thị Thanh Mai, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) chia sẻ: "Trước thực tế giá thịt lợn tăng, việc duy trì bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh ở trường học không đơn giản. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với nhà trường để các con có bữa ăn chất lượng, đủ dưỡng chất".
Dù gặp khó trong việc điều tiết bữa ăn cho học sinh để bảo đảm yêu cầu, nhưng đến nay, trừ các trường ngoài công lập được tự chủ, thì các trường công lập vẫn giữ ổn định mức thu bữa ăn bán trú.
Theo ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, tiền ăn là khoản thu thuộc danh mục thỏa thuận, phải tuân theo quy định tại Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 22-11-2013 của UBND thành phố Hà Nội ban hành “Quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội”. Do vậy, các nhà trường không thể tùy tiện tăng mức thu, mà phải tuân theo quy trình, có sự thỏa thuận với phụ huynh học sinh và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt bằng văn bản.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thúy Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ) cho biết, nhà trường đã có tờ trình gửi UBND quận xin điều chỉnh suất ăn bán trú năm học 2019-2020 với mức tăng thêm 3.000 đồng/ngày/học sinh (từ 27.000 đồng/ngày/học sinh, lên 30.000 đồng/ngày/học sinh). Nhà trường cam kết không thu bất cứ khoản nào khác liên quan đến bữa ăn của học sinh và nếu giá cả thực phẩm được điều tiết ổn định theo chiều hướng giảm, thì mức thu sẽ được điều chỉnh giảm.
Điều chỉnh thực đơn, chế biến đa dạng
Điều chỉnh thực đơn trong tuần là giải pháp của hầu hết các nhà trường thực hiện khi giá thịt lợn tăng. Với 2.000 học sinh ăn bán trú hằng ngày, Trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) đã điều chỉnh thực đơn theo hướng sử dụng nhiều thực phẩm thay thế thịt lợn như thịt gà, thịt bò, cá, tôm… Tùy theo tình hình cụ thể, mỗi tuần học sinh có thể được ăn 2-3 bữa có món chính được chế biến từ thịt lợn.
Trong khi đó, tại Trường Mầm non Tản Viên (huyện Ba Vì), theo bà Phan Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng nhà trường, với 340 trẻ ăn hằng ngày, ngoài việc sử dụng thực phẩm thay thế thịt lợn như thịt gà, đà điểu, cá, tôm, cách thức chế biến thực phẩm của nhà trường cũng đa dạng hơn để trẻ trông ngon mắt, dễ ăn.
Cách làm trên cũng được các nhân viên nhà bếp của Công ty TNHH Chế biến suất ăn Hoa Sữa (Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông) đang triển khai. Ông Bùi Quang Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến suất ăn Hoa Sữa cho biết: Hằng ngày, đơn vị cung cấp khoảng 20.000 suất ăn cho các trường học ở địa bàn quận Hà Đông, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên… Trong bối cảnh giá tăng, thịt lợn không xuất hiện nhiều trong thực đơn như trước đây, song để học sinh ăn ngon miệng, đơn vị đã tìm cách chế biến đa dạng hơn. Chẳng hạn, cùng là món cá, nhưng học sinh có cơ hội thử nhiều loại cá khác nhau, được ăn theo nhiều cách như rán, sốt, làm chả…
Tăng cường giám sát chất lượng bữa ăn cũng là việc quan trọng đang được các nhà trường triển khai. Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng) thông tin, do có học sinh ở nội trú và ăn ba bữa (sáng, trưa, tối) ở trường, nên việc xây dựng thực đơn đủ dinh dưỡng, bảo đảm an toàn được nhà trường rất coi trọng. Thời điểm này, nhà trường càng siết chặt quy trình giám sát chất lượng bữa ăn, từ khâu giao - nhận thực phẩm, chế biến đến khi kiểm tra định lượng, chất lượng đồ ăn chín.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, việc huy động sự tham gia của phụ huynh học sinh trong việc giám sát quy trình tổ chức bữa ăn bán trú là giải pháp đang được nhân rộng ở nhiều trường học. Phụ huynh không chỉ được quyền đến trường giám sát việc giao - nhận, chế biến thực phẩm, chia suất ăn..., mà còn được tạo điều kiện để “truy” tận gốc nguồn thực phẩm. Cách thức này góp phần tăng tính minh bạch, tạo sự tin tưởng để phụ huynh sẵn lòng đồng hành, chia sẻ với nhà trường trong việc bảo đảm bữa ăn đủ dưỡng chất, an toàn, nhất là trong bối cảnh giá thịt lợn tăng.
Trong tổng số 2.700 trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội, hiện có hơn 1.600 trường với khoảng 1,1 triệu học sinh ăn bán trú. Chiếm tỷ lệ lớn trong số này là trẻ mầm non với 550.000 cháu; số còn lại là học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở.