Hiệu quả kinh tế từ những sáng kiến
Đời sống - Ngày đăng : 08:37, 25/12/2019
43 sáng kiến làm lợi hơn 260 tỷ đồng
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, năm 2019, toàn thành phố có 30.208 cá nhân được tặng danh hiệu “Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động Thủ đô” cấp cơ sở và 1.150 cá nhân cấp trên cơ sở. Trong đó, các cơ quan, đơn vị tổ chức tốt, có nhiều điển hình nổi bật như: Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, huyện Gia Lâm, quận Cầu Giấy, Công ty TNHH Canon Việt Nam…
Trên cơ sở chọn lọc những sáng kiến tiêu biểu nhất, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội quyết định công nhận và khen thưởng 47 cá nhân. Trong đó, có 43 sáng kiến thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, làm lợi hơn 262 tỷ đồng. Điển hình là sáng kiến cải tiến công nghệ thấm nitơ chống gỉ sản phẩm của anh Trương Hữu Hảo - Công ty cổ phần Xích líp Đông Anh, có giá trị làm lợi 860 triệu đồng/năm.
Đại diện cho công nhân giỏi còn có anh Nguyễn Văn Việt (Công ty TNHH Canon Việt Nam). Anh Nguyễn Văn Việt chia sẻ, đối với doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất máy in, công tác vận chuyển máy móc an toàn, chuyên nghiệp rất quan trọng. Hằng ngày, tại đơn vị anh công tác, bộ phận cung cấp linh kiện cần đặt hàng với số lượng rất lớn nhưng không có tín hiệu cần cấp chuyên nghiệp ra dây chuyền sản xuất, đã gây ra nhiều lãng phí trong quản lý tồn kho và con người trong vận chuyển.
Trăn trở với điều này, anh Nguyễn Văn Việt đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu cách giải quyết và hoàn thành sáng kiến xây dựng hệ thống tín hiệu gói linh kiện dựa theo kế hoạch sản xuất, bên cạnh đó kết hợp cải tiến việc đóng hàng tự động hóa lên xe chở linh kiện của Công ty TNHH Canon Việt Nam, loại bỏ được lãng phí trong thao tác vận chuyển, giảm sức lao động của con người. Từ việc thử nghiệm ban đầu, đến nay sáng kiến đã được áp dụng rộng rãi, giúp giảm 40 người trong chu trình vận chuyển, góp phần tiết kiệm chi phí cho công ty hơn 6,1 tỷ đồng/năm.
Ở khối hành chính sự nghiệp, phong trào "Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động Thủ đô" tập trung vào việc triển khai mạnh mẽ các nội dung cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục (3 đề tài).
Trong lĩnh vực y tế, sáng kiến được áp dụng rộng rãi tại các bệnh viện của thành phố là đề tài "Nghiên cứu quy trình chế tạo bộ KIT Multiplex Realtime PCR phát hiện một số tác nhân thường gặp gây nhiễm khuẩn bệnh viện tại các bệnh viện ở thành phố Hà Nội" của Tiến sĩ Nguyễn Minh Hiền, Trưởng khoa Hóa sinh, Bệnh viện Thanh Nhàn. Từ đó, góp phần giúp các bác sĩ chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm trùng của người bệnh, có liệu pháp điều trị phù hợp.
Hay sáng kiến điều trị tắc tia sữa bằng phương pháp kết hợp xoa bóp bấm huyệt - điện xung - chiếu đèn hồng ngoại của bác sĩ Nguyễn Xuân Hảo, nhân viên Trạm Y tế xã Liên Trung, huyện Đan Phượng cũng được nhiều người mẹ trẻ đang nuôi con tin tưởng, áp dụng.
Hướng mạnh phong trào thi đua về cơ sở
Thực tế trên cho thấy, các cấp chính quyền và công đoàn đã ngày càng chú trọng tôn vinh những người lao động trực tiếp sản xuất. Đây chính là nguồn động viên, cổ vũ kịp thời, giúp công nhân, viên chức tích cực nghiên cứu sáng tạo, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập. Tuy nhiên, vẫn có tới 16/45 đơn vị, quận, huyện, ngành, tổng công ty không có sáng kiến đề nghị thành phố Hà Nội xét chọn, tôn vinh.
Ở chiều ngược lại, có những cơ quan chỉ coi trọng những sáng kiến lớn mà chưa động viên người lao động phát huy những sáng kiến cải tiến nhỏ. Điều đó thể hiện người đứng đầu đơn vị, tổ chức công đoàn và một bộ phận công nhân, viên chức, lao động chưa thấy hết tác dụng của thi đua đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Từ kết quả của thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho rằng, phong trào thi đua "Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động Thủ đô" chính là cơ hội để người lao động khẳng định mình, nhất là trong thời kỳ hội nhập. Trọng tâm thi đua tới đây phải tiếp tục hướng về cơ sở, khen thưởng tập trung đối với lao động trực tiếp sản xuất, công chức, viên chức không giữ vị trí lãnh đạo, sẽ góp phần nuôi dưỡng sức sáng tạo, tình cảm, hoài bão thể hiện năng lực của người lao động.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cũng cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng, nguyên tắc phát huy sáng kiến cần hướng đến thực chất, hiệu quả. Trong thời gian tới, công đoàn các cấp sẽ quan tâm, tôn vinh những công nhân lao động trực tiếp, phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất, cải tiến thiết bị máy móc, góp phần giảm nhẹ sức lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt là quan tâm động viên phát huy những sáng kiến, cải tiến nhỏ gắn với chất lượng, lợi ích người lao động để tạo động lực lôi cuốn, khuyến khích tính tự giác, lòng nhiệt tình của đông đảo người lao động, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp, Thủ đô và đất nước.