Ship hàng - Nghề lắm gian truân
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:22, 25/12/2019
Đối mặt nhiều rủi ro
Sau một ngày mua hàng trực tuyến, 8h ngày 10-12 vừa qua, chị Nguyễn Thị Hương (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) nhận được điện thoại của một người xưng tên Tuân giao hàng. Xác nhận đúng đơn hàng đã đặt, song lúc đó không có mặt ở địa điểm nhận hàng như đã hẹn, nên chị Hương xin lùi lịch nhận. Sau nhiều lần liên lạc qua lại, 2 ngày sau đó chị Hương mới nhận hàng. Dù tốn công sức nhưng khi gặp khách, Tuân vẫn nở nụ cười thân thiện.
Nhưng theo Tuân, với quy định của các cửa hàng là khi nhận đồ mang đi giao phải ứng trước tiền hàng nên nhiều shipper có thể mất nhiều thời gian đi lại nếu hàng hóa không đáp ứng đủ điều kiện của người nhận (mua) hàng, thậm chí có thể bị lừa.
“Cách đây một tháng, em nhận ship hàng cho một cửa hàng quần áo trên đường Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy). Khi nhận hàng là một chiếc áo sơ mi nam, em phải ứng trước 500.000 đồng cho chủ hàng và mang ship cho khách ở đường Láng. Tuy nhiên, đến nơi em mới biết đó là địa chỉ “ma”. Gọi điện cho cả chủ cửa hàng lẫn khách thì điện thoại “tò te tí”. Nghi ngờ, em mở gói hàng ra kiểm tra mới vỡ lẽ mình bị lừa”, Tuân kể lại.
Tương tự, shipper Nguyễn Quang Thịnh, nhân viên Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh Chuyên phục vụ cũng từng gặp không ít rủi ro. Vụ “nhớ đời” nhất và cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các đồng nghiệp đó là vào đầu tháng 6-2019, Thịnh nhận một lô quần áo hàng hiệu trị giá 16 triệu đồng ở một cửa hàng bán quần áo tại huyện Gia Lâm giao cho một khách hàng nam ở Khu đô thị mới Linh Đàm (quận Hoàng Mai). Giao - nhận hàng xong, vị khách thông báo đã chuyển khoản 16 triệu đồng cho chủ cửa hàng và đưa cho Thịnh xem hình ảnh chụp giao dịch qua Internet Banking. Tin tưởng, Thịnh ra về và chỉ đến khi chủ cửa hàng cho biết chưa nhận được tiền Thịnh mới cuống cuồng tìm đến địa chỉ giao hàng lúc trước thì người khách kia đã “lặn mất tăm”, điện thoại cũng “ngoài vùng phủ sóng”.
Không chỉ bị lừa đảo, quá trình làm việc, nhiều shipper còn gặp không ít cảnh “dở khóc, dở cười” khi phải “làm dâu trăm họ”. Nhiều shipper còn gặp những tình huống phải ra về tay trắng hoặc bị khách “bùng” hàng.
Chị Nguyễn Lan Anh - nữ shipper sống tại chung cư Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai) cho biết, cách đây mấy ngày chị đã tạm ứng tiền hàng cho chủ cửa hàng ở quận Thanh Xuân rồi mang hàng đi giao, nhưng khi tới nơi thì khách thông báo đã nhận hàng rồi. Quay lại trả hàng thì chủ hàng không nhận lại. Tìm hiểu mới biết, khi mua hàng, khách đã cung cấp số điện thoại và địa chỉ giao hàng lên phần bình luận trên Facebook, chủ cửa hàng khác đã “nẫng” tay trên của cửa hàng nơi chị nhận.
Hầu hết shipper khi được hỏi đều khẳng định nghề này vất vả hơn so với nghề “xe ôm”. Bởi, không chỉ mất công vận chuyển, chủ yếu vào giờ nghỉ trưa, chiều tối, tiền công bèo bọt (15.000 - 30.000 đồng/chuyến tùy vị trí gần, xa), shipper còn phải tìm địa chỉ giao hàng, gọi điện thoại, chờ đợi khách và đặc biệt phải chịu sức ép về thời gian. Vì thế, không ít shipper đã “bất đắc dĩ” vi phạm Luật Giao thông đường bộ để giao hàng đúng giờ...
"Có hàng tá câu chuyện “dở khóc, dở cười”, vô vàn rủi ro mà shipper đang phải đối mặt trong quá trình làm việc mà chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu. Dù lắm gian truân là vậy, nhưng đã gắn bó với nghề thì ai cũng muốn đặt chữ tín lên hàng đầu để có công việc, thu nhập ổn định nuôi sống bản thân và gia đình", shipper Nguyễn Quang Thịnh bộc bạch.
Học cách tự bảo vệ mình
Chia sẻ về những rủi ro mà các shipper gặp phải trong quá trình làm việc, ông Phạm Tiến Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh Chuyên phục vụ cho hay, nhằm trang bị kỹ năng cho shipper, hằng tháng, công ty đều tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ giao nhận hàng hóa, có cảnh báo, đưa ra trường hợp từng bị lừa tiền hoặc làm hỏng đồ của khách để nhân viên tránh rủi ro khi tác nghiệp.
“Với các trường hợp shipper làm hỏng đồ của khách, hoặc bị khách lừa tiền…, công ty đưa ra "tối hậu thư" là không hỗ trợ tiền, chỉ linh động cho tạm ứng tiền và trừ dần vào lương hằng tháng để trả cho khách hàng. Đó là cách tốt nhất để các shipper trở nên cẩn trọng và chuyên nghiệp hơn khi làm việc”, ông Phạm Tiến Cường chia sẻ.
Còn theo đại diện Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) - đơn vị có thị phần lớn trong lĩnh vực chuyển phát nhanh, nhằm hạn chế tối đa những rủi ro đến với shipper, đơn vị đã có những chế tài cụ thể đối với nhân viên, đưa ra 12 điều cấm kỵ trong nghề.
Nếu vi phạm, nhân viên sẽ bị sa thải để bảo đảm chất lượng dịch vụ. Riêng với những rủi ro mà shipper gặp phải, Viettel Post sẽ kiểm tra, rà soát lại, nếu do khách quan, các chi nhánh, bưu cục sẽ có sự hỗ trợ tối đa về vật chất để chia sẻ với shipper.
Thực tế, đơn vị có chế độ giám sát thông qua phần mềm ứng dụng Viettel Post, thể hiện "đường đi" của hàng hóa, có sự trao đổi ba bên thông qua tin nhắn (người bán - người mua - bên giao hàng), qua đó cung cấp sự minh bạch, giảm tối đa rủi ro cho các shipper. Tuy nhiên, đại diện Viettel Post cũng cảnh báo, các shipper cần trang bị những kiến thức cơ bản để bảo vệ chính mình, giảm thiểu những rủi ro trong quá trình làm việc.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nêu thực tế, hiện nay, nhiều trang thương mại điện tử bán hàng đang sử dụng đội ngũ shipper lớn. Tuy nhiên, các đối tượng lao động này không chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động, đa phần shipper không được ký hợp đồng lao động, không được hưởng quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Trong khi đó, hầu hết người làm nghề shipper đều là học sinh, sinh viên, người cao tuổi… làm thêm giờ, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trước thực trạng trên, để hạn chế tối đa những rủi ro, mỗi shipper cần tự học cách bảo vệ mình, cần tỉnh táo, kiểm tra kỹ đơn hàng, kiểm tra địa chỉ nhận hàng rõ ràng, thận trọng tránh xa những nơi vắng vẻ, ngõ ngách, đặc biệt là khi trời tối. Đặc biệt, shipper cần tỉnh táo để không trở thành đồng phạm khi vô tình tiếp tay cho tội phạm vận chuyển hàng cấm.