Tuân thủ quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp: Tiền đề để phát triển bền vững
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:54, 25/12/2019
Từ những mô hình sản xuất tập trung...
Thực hiện Kế hoạch Tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã quy hoạch vùng sản xuất đối với một số loại cây trồng, vật nuôi. Trong đó có vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tập trung tại các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Đông Anh…; vùng trồng hoa cây cảnh tập trung tại một số xã thuộc các huyện Đan Phượng, Thường Tín, Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh...
Một trong những mô hình điển hình phải kể đến là vùng trồng rau an toàn theo quy hoạch tại xã Tân Minh (huyện Thường Tín) với diện tích 135ha. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Minh Nguyễn Văn Hưng cho biết: “Hợp tác xã đang thu hút 1.400 thành viên tham gia sản xuất rau gia vị. Đây là loại rau dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, cho thu hoạch chỉ sau hơn 1 tháng từ khi gieo trồng. Bình quân mỗi sào rau cho hiệu quả 30-40 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, nhiều hộ dân tại Tân Minh đã vươn lên làm giàu từ trồng các loại rau gia vị”.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho hay, cùng với vùng rau an toàn Tân Minh, Thường Tín đã phát triển được vùng trồng rau an toàn tại các xã vùng bãi với hơn 355ha và hơn 327ha trồng cây ăn quả tập trung. Còn với các xã vùng trũng, huyện đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản với hơn 1.000ha.
Tương tự huyện Thường Tín, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung cho hiệu quả kinh tế cao. Tại Thanh Oai, theo Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Sáng những năm gần đây, huyện đã tập trung xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao với diện tích 10.000ha, mỗi năm mang lại thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng/ha…
Trong khi đó, huyện Đông Anh được quy hoạch là vùng trồng lúa chất lượng cao, chăn nuôi lớn, đến nay đã có vùng trồng lúa nếp cái hoa vàng với hơn 800ha tại 6 xã; phát triển gần 200 trang trại quy mô lớn, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, từ khi có định hướng về vùng sản xuất đến nay, Hà Nội đã có 154 cánh đồng mẫu lớn có quy mô trên 100ha/cánh đồng, 101 vùng sản xuất tập trung với quy mô từ 20ha trở lên/vùng, 16.700ha cây ăn quả… Đồng thời phát triển 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư; 76 xã chăn nuôi trọng điểm.
... đến vấn đề tuân thủ quy hoạch
Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho rằng, sản xuất theo định hướng quy hoạch vùng là tiền đề cho phát triển nông nghiệp bền vững. Việc phá vỡ quy hoạch sẽ dẫn đến những hệ lụy mất cân đối cung - cầu, tình trạng “được mùa, rớt giá”...
Đối với Hà Nội, theo chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, Hà Nội tuy chưa phải chịu nhiều hệ lụy về việc phá vỡ quy hoạch nhưng cũng đã có những bài học được rút ra. Ví như việc ồ ạt trồng củ cải tại huyện Mê Linh những năm trước, hay giai đoạn 2014-2015, nhiều huyện đồng loạt trồng hoa ly dẫn đến cung vượt cầu, giá hoa ly giảm mạnh…
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh nhận định, trong quy hoạch vùng sản xuất, thành phố cũng như Sở NN&PTNT đã định hướng rõ, tuy nhiên, nông dân tự quyết định trồng cây gì, nuôi con gì trên mảnh đất của họ dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch. Để khắc phục tình trạng này, một mặt các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác thông tin dự báo thị trường; mặt khác phải có chính sách cụ thể, mạnh mẽ hơn trong định hướng sản xuất.
Xoay quanh vấn đề quy hoạch, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, từ việc khảo sát thị trường và lợi thế cạnh tranh của các vùng sinh thái, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã định hướng và chỉ đạo cụ thể các cây trồng chủ lực cho từng địa phương; đồng thời đẩy mạnh giải pháp liên kết vùng, hình thành chuỗi từ sản xuất đến cung ứng.
“Hiện quy hoạch vùng sản xuất của Hà Nội áp dụng theo hình thức quy hoạch mở và quy hoạch mềm. Theo đó, căn cứ vào những biến động để có định hướng quy hoạch chi tiết qua từng giai đoạn. Tuy nhiên, những quy hoạch khung cần được tuân thủ, như: Vùng trũng không thể trồng lúa, vùng đồi gò không thể trồng rau...”, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.
Để các địa phương có những căn cứ mở về quy hoạch vùng, ngày 14-6-2019, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3215/QĐ-UBND về Danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội và tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố Hà Nội.
“Đối với ngành Nông nghiệp Thủ đô, hằng năm, căn cứ vào phân tích thị trường sẽ cùng các sở, ngành khác tham mưu, kiến nghị thành phố có những điều chỉnh về quy hoạch vùng cho phù hợp...”, ông Chu Phú Mỹ cho hay.
Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, thành phố đã thực hiện việc quy hoạch vùng sản xuất một cách khoa học, bài bản, vấn đề là định hướng thế nào cho nông dân sản xuất phù hợp theo từng giai đoạn để góp phần phát triển ngành Nông nghiệp bền vững.