Văn phòng Chính phủ cần nâng cao chất lượng xây dựng thể chế
Chính trị - Ngày đăng : 19:04, 25/12/2019
Hưởng ứng chủ đề của Chính phủ năm 2019, quán triệt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Văn phòng Chính phủ đã chọn chủ đề hoạt động là “Kỷ cương - chất lượng - kịp thời - chuyên nghiệp - hiện đại”, với 17 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Kết quả nổi bật là Văn phòng Chính phủ đã giải quyết một khối lượng công việc lớn: Tiếp nhận gần 120.000 văn bản; tham mưu, trình lãnh đạo Chính phủ gần 14.000 phiếu trình giải quyết công việc; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành gần 26.000 văn bản.
Văn phòng Chính phủ đóng góp rất tích cực, hiệu quả trong việc xây dựng, trình Trung ương thông qua đề cương và dự thảo các báo cáo của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng, bao gồm: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng, đã theo dõi đôn đốc, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm việc thực hiện những nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương, đơn vị, tham mưu, xử lý kịp thời, có chất lượng.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, Văn phòng Chính phủ - cơ quan hành chính đầu não của Chính phủ đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Trong đó, đáng lưu ý là ngoài chức năng giúp việc cho Chính phủ, kết nối nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao với các bộ, cơ quan, địa phương, Văn phòng Chính phủ đã rất chú ý cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, triển khai rất quyết liệt Văn phòng Chính phủ không giấy tờ, ứng dụng chữ ký số.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng nhận xét, công tác xây dựng thể chế dù đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn những đề án chậm tiến độ hoặc phải điều chỉnh.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu, trong năm 2020, công tác tham mưu tổng hợp, điều phối phải kiên quyết khắc phục tình trạng chậm xử lý văn bản; xây dựng chương trình công tác bảo đảm khả thi, chất lượng; khắc phục tình trạng phối hợp chậm trễ hoặc hình thức giữa các đơn vị. Việc phối hợp với các bộ, cơ quan cũng cần phải chủ động, linh hoạt hơn, tăng cường trao đổi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Văn phòng Chính phủ chủ động trong việc nắm bắt các vấn đề nóng, nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội để kịp thời tham mưu, đề xuất Chính phủ xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp phục vụ chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội.
Đồng thời, Văn phòng Chính phủ phải nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo; theo dõi sát diễn biến tình hình và chủ động phát hiện những vấn đề cấp bách, khó khăn vướng mắc, chủ động tham mưu đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý kịp thời, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội.