Tổng đàn lợn cả nước còn 25 triệu con

Nông nghiệp - Ngày đăng : 14:35, 26/12/2019

(HNMO) - Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 26-12.

Quang cảnh hội nghị.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu tháng 2-2019 đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.532 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5,9 triệu con; tổng trọng lượng khoảng 341.000 tấn (chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước). Nhờ sự vào cuộc quyết liệt từ trung ương tới địa phương nên bệnh dịch dần được đẩy lùi, số lợn phải tiêu hủy đang giảm dần.

Đến nay, 6.315 xã (chiếm 74% tổng số xã có dịch) thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh. Có 3 tỉnh (Hưng Yên, Hải Dương và Thái Bình) đã hết dịch. Dự báo, hết tháng 12-2019, số lợn buộc tiêu hủy là khoảng 40.000 con, giảm 74% so với tháng 11-2019 và giảm 97% so với tháng 5-2019 (tháng cao điểm, buộc phải tiêu hủy hơn 1,27 triệu con lợn).

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tổng đàn lợn cả nước còn 25 triệu con với đàn nái là 2,7 triệu con, chủ động nguồn cung con giống cho sản xuất. Khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra, ngay lập tức, Chính phủ và Bộ đã chỉ đạo cơ cấu lại chăn nuôi. Nhờ đó, đến nay, cả nước có khoảng 280.000 tấn sản phẩm thực phẩm gia cầm; đại gia súc (bò tăng 6.000 tấn, dê cừu tăng trên 5.000 tấn…).

Như vậy, riêng sản phẩm chăn nuôi tăng hơn 300.000 tấn so với 2018; đồng thời, phát triển thủy sản tăng 130.000 tấn, góp phần tăng tổng sản lượng là hơn 430.000 tấn thực phẩm, phục vụ tăng trưởng nền kinh tế và bù đắp một phần thịt lợn thiếu hụt do bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Các địa phương, doanh nghiệp cũng tăng tổng đàn để cung cấp cho thị trường. Theo ông Đào Mạnh Lương - Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin, Công ty đang có 23.000 lợn nái và 6.000 lợn giống nguồn, đến quý II-2020 có thể tăng đàn nái lên 40.000 con. Công ty đang cung cấp cho thị trường 30.000 con lợn/tháng, riêng trong tháng 12-2019 và tháng 1-2020 có thể tăng lượng xuất chuồng lên 20%. Công ty cũng cam kết bán với giá ổn định khoảng 84.000 đồng/kg. Theo ông Lương, khoảng 30 ngày nữa là Tết Canh Tý, nhưng giá vẫn chưa tăng nhiều; lượng cung dự kiến không thiếu.

Còn theo ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần CP Việt Nam, Công ty đang xuất bán ra thị trường 500.000 con lợn/tháng, trung bình khoảng 84.000 tấn/tháng. Dự kiến, trong dịp Tết Nguyên đán có thể tăng lên 15-20% sản lượng thịt cung cấp cho thị trường, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nhân dân.

Doanh nghiệp cần là “hạt nhân” dẫn dắt thị trường thịt lợn 

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, trong tái đàn chăn nuôi, doanh nghiệp cần giữ vai trò “hạt nhân” vừa dẫn dắt giá vừa là nguồn cung con giống và quy trình kỹ thuật an toàn sinh học. Bởi lượng con giống và lợn nái hiện nay chủ yếu tập trung tại cơ sở chăn nuôi của các doanh nghiệp lớn với đàn lợn giống nguồn 109.000 con và 2,7 triệu lợn nái; đồng thời, đóng vai trò quyết định đến chăn nuôi tập trung, quy mô lớn và an toàn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: "Các doanh nghiệp phải cung ứng những sản phẩm tốt nhất, đặc biệt hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học để người dân áp dụng vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả cao; đồng thời, thực hiện liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường để kiểm soát dịch bệnh. Thúc đẩy sản xuất an toàn dịch bệnh, đến nay, các cơ sở được công bố hết bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã chủ động tái đàn ngay từ đầu quý IV-2019 theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT".

Cũng theo nhận định của ngành Nông nghiệp, nguồn cung thịt lợn cho thị trường sẽ được bổ sung từ cuối quý I-2020; từ quý II, sản lượng thịt lợn xuất chuồng tiếp tục được tăng lên. Do đó, nguồn cung sẽ bảo đảm.

Về vấn đề lưu thông, theo dự báo của ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhu cầu cho tháng 12-2019 và tháng 1-2020 là khoảng 600.000 tấn thịt. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành và các địa phương tăng cường bình ổn giá và mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch và Tết Canh Tý.

Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu, đưa thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối; trong đó, chú trọng kết nối mặt hàng thịt lợn tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam…

Để kiểm soát chặt thị trường thịt lợn, Bộ Công Thương thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và lực lượng công an, thú y… thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm tránh hiện tượng tiêu thụ thịt lợn không có nguồn gốc xuất xứ, gây bất ổn thị trường. Đồng thời tập trung kiểm tra tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. 

Ngọc Quỳnh