Lực đẩy văn hóa đọc

Góc nhìn - Ngày đăng : 12:21, 27/12/2019

(HNMCT) - Phát triển văn hóa đọc là phần việc phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Như là công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sách, của sự đọc; phải xuất bản được nhiều sách hay, bổ ích; có sách rồi thì lại phải tìm cách để đưa sách đến tay càng nhiều người càng tốt, rồi phổ biến cách đọc và ứng dụng tri thức thu nhận từ sách vào cuộc sống...

Giữa tháng 12-2019, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” - được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15-3-2017. Tại hội nghị, khi đề cập tới hiệu quả công tác triển khai thực hiện Đề án, nhiều ý kiến nhất trí rằng việc Quốc hội thông qua Luật Thư viện vào ngày 21-11-2019 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Luật Thư viện ra đời, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, tạo hành lang pháp lý để đưa hoạt động thư viện hướng vào thực chất, đạt hiệu quả cao, tăng cơ hội tiếp cận với sách và tri thức đối với bạn đọc, thông qua đó góp phần phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam.

Dù tiếp cận vấn đề từ góc độ nào thì cũng có thể thấy tính chính xác của nhận định trên. Luật Thư viện bao gồm nhiều điểm mới so với các văn bản pháp lý đã có về lĩnh vực thư viện, nhưng đáng chú ý hơn cả là các điều khoản liên quan tới yêu cầu đẩy mạnh liên thông giữa các thư viện và định kỳ hằng năm đánh giá hoạt động thư viện. Hai điểm mới này, nhất là yêu cầu đánh giá hoạt động của các thư viện sau mỗi năm hoạt động, sẽ góp phần tạo lực đẩy cho hoạt động thư viện nói chung. Nói cách khác, muốn vượt qua các kỳ đánh giá với “điểm” cao, các thư viện sẽ phải xóa bỏ lực cản trì trệ, từ nay không thể hoạt động theo cách “cũ kỹ” là ngồi chờ bạn đọc, dửng dưng khi bạn đọc không tới với mình hoặc số lượng ấn phẩm được luân chuyển thấp...

Cơ chế để tạo lực đẩy văn hóa đọc từ phía thư viện đã có, nhưng hiệu quả thực tế phụ thuộc vào cách thức triển khai thực hiện các điều luật đã được ban hành. Như với quy định về việc đánh giá hoạt động hằng năm thì cần phải xây dựng hệ tiêu chí đánh giá làm công cụ đo lường chất lượng hoạt động của từng nơi. Hệ tiêu chí đó phải phù hợp với từng loại hình thư viện, có tính ứng dụng cao trong việc xem xét hoạt động, bảo đảm cho kết quả đánh giá khách quan, công bằng, minh bạch, có ý nghĩa thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các thư viện chứ không mang tính hình thức.

Chẳng hạn, khi tiến hành đánh giá một đơn vị nào đó, không thể thiếu nhóm tiêu chí liên quan đến nguồn lực thông tin - số lượng sách, phương pháp bảo quản, dữ liệu phục vụ việc tra cứu, cách tiếp cận bạn đọc và khả năng đáp ứng nhu cầu đọc, sự hài lòng của bạn đọc, phương án và mức độ đầu tư thường xuyên nhằm tăng số lượng xuất bản phẩm... Những tiêu chí cụ thể đó sẽ giúp nhà quản lý nhận ra sự khác biệt về hiệu quả hoạt động giữa nơi này với nơi khác, từ đó có giải pháp thích hợp nhằm chấn chỉnh hoạt động đối với những cơ sở hoạt động yếu kém.

Phát triển văn hóa đọc là hoạt động hướng tới cộng đồng nói chung, nhưng giới trẻ là đối tượng cần được ưu tiên nhằm bảo đảm tạo nền tảng bền vững về phong trào đọc sách và về văn hóa đọc. Bởi vậy, với hệ thống thư viện - thiết chế văn hóa có mối liên hệ chặt chẽ với văn hóa đọc - vốn có sự đa dạng về loại hình, quy mô thì thư viện trường học các cấp xứng đáng được quan tâm nhiều hơn trong việc đầu tư cũng như xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động. Những bước chuyển thực chất trong hoạt động thư viện trường học chỉ đến khi cơ quan quản lý văn hóa, giáo dục xác định rõ từng điểm mạnh - yếu trong hoạt động này ở từng cơ sở giáo dục, sau đó tìm ra giải pháp cụ thể cho từng vấn đề.

Luật Thư viện góp phần tạo lực đẩy phát triển văn hóa đọc và công tác đánh giá hoạt động thư viện là một yếu tố quan trọng trong quá trình đó. Mà muốn đánh giá đúng thì việc đầu tiên không có gì khác là làm tốt khâu xây dựng tiêu chí, sau đó thực hiện nghiêm túc việc đánh giá dựa trên khung tiêu chí đã định hình.

Hoàng Lê