Cấp thiết bảo vệ di tích đang xuống cấp
Văn hóa - Ngày đăng : 07:29, 27/12/2019
Từ Bắc Ninh vào thành phố Hồ Chí Minh du lịch, ông Lê Đăng Doanh (62 tuổi) đến thăm Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt ở quận Bình Thạnh. Đi một vòng quanh di tích cổ được cấp bằng chứng nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, ông Doanh ngậm ngùi nói: “Khu lăng vẫn cổ kính, uy nghiêm, nhưng mái ngói bị thủng, dột; nhiều mảnh sành sứ khảm tường, khảm tượng bị sứt mẻ rơi rụng… Di tích đã xuống cấp quá rồi”!
Lăng Lê Văn Duyệt là một trong 172 di tích đã được xếp hạng và 97 công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê tại thành phố Hồ Chí Minh. Khác với những biệt thự thời Pháp thuộc có giá trị kiến trúc, các di tích lịch sử lại gắn với các yếu tố về văn hóa, tâm linh của người Việt.
Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Tuân thủ Luật Di sản, 10 năm qua, thành phố đã bố trí hơn 500 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo 32 di tích. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã tập trung hơn 200 tỷ đồng hoàn thành tu bổ, tôn tạo nhiều công trình, kiến trúc có giá trị. Tuy nhiên, 18 di tích, công trình kiến trúc lâu đời đã bị xóa sổ".
Ngoài Lăng Lê Văn Duyệt, nhiều di tích lịch sử - văn hóa khác trên địa bàn thành phố cũng đã và đang xuống cấp, thậm chí bị xâm hại nghiêm trọng. Có thể kể đến chùa Giác Lâm (quận Tân Bình) xây dựng từ năm 1744, nơi đang lưu giữ 113 pho tượng cổ bằng gỗ mít từ thế kỷ XVIII.
Bà Nguyễn Thị Hồng Tiến, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết, đang xảy ra tranh chấp hơn 10 năm qua trên diện tích hơn 3.100m2 thuộc đất chùa. Còn tại Lò gốm Hưng Lợi (quận 8), di tích đã hơn 300 năm tuổi, lưu giữ những dấu vết từ những ngày đầu hình thành vùng đất Sài Gòn, nhiều diện tích đã bị san phẳng. Dù Lò gốm Hưng Lợi đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1998, nhưng hiện đang bị nhiều hộ dân xâm lấn đất để xây nhà trái phép…
Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Phó ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hồ Chí Minh, bất cập lớn nhất là Luật Di sản chưa đưa ra đầy đủ các giải pháp định lượng, trách nhiệm cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu di tích, cơ sở pháp lý và quy trình thực hiện cho việc bảo tồn di sản. Thêm vào đó, cơ quan quản lý di sản của thành phố còn thiếu nhân lực và điều kiện thực hiện bảo tồn.
Để có thể vừa gìn giữ những di tích văn hóa - lịch sử quý giá, vừa bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa lịch sử riêng có của thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các sở, ban, ngành thành phố đang tập trung vào 5 giải pháp cấp thiết.
Thứ nhất, tăng cường quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn ngay tình trạng xuống cấp, lấn chiếm di tích di sản. Thứ hai, nâng cao vai trò của cộng đồng để cùng nhau bảo quản di tích, di sản. Thứ ba, đẩy nhanh việc lập hồ sơ khoa học cho di tích, di sản, từ đó đề ra các giải pháp tổng thể để bảo vệ. Thứ tư, vừa đầu tư ngân sách nhiều hơn vừa đẩy mạnh xã hội hóa để có nguồn lực bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ di tích. Thứ năm, tăng cường hợp tác trong và ngoài nước để thực hiện tốt hơn công tác bảo quản di tích, di sản.
"Với việc thực hiện các giải pháp cấp bách này, công tác quản lý, trùng tu, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích văn hóa sẽ hiệu quả hơn trong thời gian tới" - ông Phạm Đức Hải nhận định.