Niềm tin như nắng mai

Sách - Ngày đăng : 06:14, 27/12/2019

(HNMCT) - Cầm trên tay cuốn thơ Hương mạy may của Trần Thị Nương, đã cảm nhận ngay tình cảm chân phương, giản dị mà tràn đầy tình yêu của tác giả. Không quá chăm chút cầu kỳ về hình thức, Hương mạy may gồm 99 bài thơ chọn viết về miền núi của Trần Thị Nương. Miền núi cũng là “quê tôi nặng tình nặng nghĩa/ trong từng lá cỏ non tươi” của nhà thơ, để chị bao năm bươn dài lối phố vẫn “đêm nằm thao thức hồn quê”, để chị “giữa chốn đô thành/ chật người/ chật xe” vẫn “đem trọn miền quê/ trong ký ức”, để chị chỉ “một ngày ngược núi” mà “về xuôi không đành”.

Tình quê hương của Trần Thị Nương gửi vào trong thơ càng thêm thương nhớ đậm sâu hơn khi còn vương ở đó một bóng hình: “Có phải anh là núi Tản/ Mùa qua vết cắt nảy mầm/ Yêu em hóa thành đàn đá/ Một đời thăm thẳm vang ngân” (Núi nhớ). Thời con gái “non tơ cỏ biếc lời thề” đã xa xôi lắm rồi mà sao vẫn “bâng khuâng nửa đời gặp lại/ rưng rưng chẳng nói nên lời” (Lá cỏ). Phải chăng vì dẫu ngàn năm, vạn năm, tỷ năm đã qua, mặc bão xoay, mặc sương vằm, mặc “ai còn, ai mất, ai không” vẫn “có hay miền đá đơm bông đợi chờ”?

Tôi đặc biệt ấn tượng với bài thơ Tiếng điếu cày của Trần Thị Nương, cái thứ tiếng thứ mùi tưởng rất “đời”, rất “tục” ấy, mà sao vào thơ chị lại tha thiết đến không ngờ: “Từ khi về thành phố mới/ Rưng rưng nghe tiếng điếu cày/ Ai kéo núi non gần lại/ Tình người thêm đượm thêm say”. Ở giữa phố thị đủ đầy, tâm hồn Trần Thị Nương lại cứ ngược về quê, để chỉ bắt gặp một hình ảnh “Bâng khuâng điếu cày ai hút/ Chạm vào tôi mối tình quê” mà khiến nhà thơ “non cao… canh cánh ngày về”.

99 bài thơ trong Hương mạy may được viết ở nhiều thể loại, thơ tự do, thơ lục bát, thất ngôn, ngũ ngôn... Miền núi trong thơ Trần Thị Nương không chỉ là quê hương yêu dấu của Hồn làng, Trầu biếc, Giếng chùa, Ở phía bên này, Mưa rơi miền Đất Tổ… mà còn là những cảnh sắc nơi chị từng đặt chân qua như Tình anh - cao nguyên, Ngườm ngao, Đà Lạt trong mơ, Bên sông Kỳ cùng, Về Tây Nguyên, Gọi mãi Điện Biên, Thăm Núi Đôi, Tìm em giữa hội xòe, Nhịp đập thảo nguyên… Chị nhận ra vẻ đẹp của núi: “Chẳng dại gì đá sống cô đơn/ Tựa vào nhau/ Quấn quýt nhau bền lâu thành lũy/ Đan xen nhau/ Hóa vào nhau, máu thịt thành trời/ Vô định gió hú ngoài biên ải” (Khau Vai). “Núi ngạo nghễ ngang trời tin cẩn/ Bỗng nhận ra mình/ Bé nhỏ trước tình yêu”.

Cho nên, có một Trần Thị Nương đắm say, một Trần Thị Nương mãnh liệt trong tình yêu: “Trái tim em tù trong nỗi nhớ/ Muối không vò xót tận trong tâm”. Chị yêu đến quên cả cảnh: “Thiếu anh/ Trời chẳng nói điều gì/ Dù núi có điệp trùng đến mấy”, cũng quên cả mình: “Nếu phải lặn xuống biển/ Nếu phải bay lên trời/ Người qua cơn hoạn nạn/ Tôi sẵn lòng quên tôi”, thậm chí sẵn sàng: “Nếu được chết/ để đời anh hết khổ/ Xin trời/ em được chết anh ơi!”.

Nhưng tình yêu trong thơ Trần Thị Nương luôn đầy lạc quan và tin tưởng, cho dù ở đời thực đã có lúc không tránh được những bão giông. Chị yêu đậm sâu, “như sóng đắm mê bờ cát”, “như nước tràn lên đất cạn”, “yêu như thuở hồng hoang say ngất/ sống không yêu nhân loại có cũng thừa”. Tình yêu ấy trong thơ Trần Thị Nương không bi lụy, dù “nung nấu lửa âm thầm”, dù “cháy lặng im” thì luôn “bao xa cách đang tìm đường xích lại”, thì đầy quyết tâm “thiếu nhau bạc tóc vẫn tìm”, và không quên hứa hẹn “Tháng năm dù sụt lở/ Mình vẫn hồi sinh nhau…”.

Đọc thơ Trần Thị Nương, rõ ràng cũng đầy dự cảm, lo lắng, nhưng lạ kỳ là không có đau thương, mà chị luôn mỉm cười hướng về phía trước “Dẫu hóa thành hạt cát/ Mình vẫn quyện vào nhau/ Bay về phía mặt trời…”, nếu có nước mắt cũng là giọt nước mắt của niềm vui: “Vòng quanh bên trái đất/ Tình yêu phép nhiệm màu/ Tìm được. Mừng ứa lệ/ Đừng bao giờ mất nhau!”.

Trần Thị Nương tin vào nhân quả, tin vào kiếp trước với đời sau, tin rằng: “Núi nặng tình sông/ hạt nhớ tích hương/ người thương tích đức/ Duyên kỳ ngộ/ nằm mơ chẳng được/ cái nhìn đầu tiên rất lạ trong đời” (Mặt trời xanh). Với chị, “Niềm tin như nắng mai/ Ngời ngời trên mặt đất/ Cuộc đời thi vị nhất/ Khi chúng mình tin nhau!” (Niềm tin). Một tập thơ chọn về đá núi mây ngàn mà vẫn tràn đầy năng lượng tình yêu và niềm tin cuộc sống đủ để thấy một Trần Thị Nương sâu sắc, đằm thắm và mãnh liệt chừng nào. Hương mạy may là tập thơ thứ 14 của chị, trước đó chị đã xuất bản các tập thơ như Đừng đánh mất, Cánh buồm ngọn gió, Giếng khát, Tiếng gọi từ trăng núi, Bão không mùa, Sóng khát, Trầu thơm cau đắng, Biển không bao giờ lẻ…

Vân Hạ