Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi

Đời sống - Ngày đăng : 20:44, 27/12/2019

Theo Quyết định số 1869/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Công trình thủy lợi cống Gò Cát, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) đóng ngăn mặn bảo vệ sản xuất. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Mục tiêu chung là bảo đảm tưới, cấp nước, tiêu, thoát nước cho nông nghiệp, dân sinh, các ngành kinh tế, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với trường hợp bất lợi nhất, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn các lưu vực sông.

Việc lập quy hoạch phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch này với hệ thống quy hoạch quốc gia, làm cơ sở để lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực thủy lợi và phòng, chống thiên tai; bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước thống nhất theo lưu vực sông kết hợp đơn vị hành chính; cân đối, điều hòa nguồn nước trong phạm vi toàn quốc, vùng, lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, phục vụ đa mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. 

Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch cũng giải quyết những vấn đề tồn tại lớn trong công tác thủy lợi mang tính liên vùng, liên tỉnh, liên lưu vực sông, như thiếu nguồn nước, hạ thấp mực nước, chuyển nước và kết nối nguồn nước, tiêu thoát nước gia tăng, cấp nước phục vụ chuyển đổi sản xuất, điều tiết nguồn nước từ hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi trong trường hợp thiên tai.

Giải quyết những vấn đề tồn tại lớn trong phòng, chống thiên tai mang tính liên vùng, liên tỉnh, liên lưu vực sông, như phòng, chống lũ cho các tuyến sông, quy hoạch đê điều, sử dụng bãi sông, lồng ghép công trình hạ tầng khác kết hợp phục vụ phòng, chống thiên tai. 

Mục tiêu cụ thể đối với tưới, cấp nước phải xác định mức đảm bảo tưới, cấp nước cho các vùng lãnh thổ, các lưu vực và hệ thống công trình thủy lợi. Đề xuất các giải pháp tạo nguồn, tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững. Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt nông thôn; tạo nguồn và cấp cho khu đô thị, công nghiệp và các ngành kinh tế khác từ hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt quan tâm đến những vùng thường xuyên thiếu nước, như: Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đề xuất giải pháp tích trữ, tạo nguồn, kết nối và chuyển nguồn nước để cấp cho dân sinh, sản xuất tại vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước; bao gồm cả nguồn nước từ hồ chứa thủy điện; đề xuất giải pháp kiểm soát mặn, giữ ngọt, hạn chế tác động của triều cường vùng cửa sông, ven biển.

Đối với phòng, chống lũ, ngập lụt và một số loại hình thiên tai khác, xác định mức đảm bảo phòng, chống lũ, ngập lụt cho các vùng, các lưu vực sông. Đề xuất giải pháp phòng, chống lũ, ngập lụt bảo đảm an toàn dân sinh, cơ sở hạ tầng và các hoạt động sản xuất; đề xuất giải pháp phòng, chống đối với sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển trên cơ sở diễn biến thực tế xảy ra tại các vùng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt dự toán chi tiết nhiệm vụ lập quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi và tổ chức lựa chọn đơn vị lập quy hoạch theo đúng quy định hiện hành.

Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình lập nhiệm vụ quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo V.T/Báo Tin tức