Tháo gỡ những điểm nghẽn, hướng nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị
Nông nghiệp - Ngày đăng : 13:38, 27/12/2019
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân đã tích cực tham gia, khẳng định vai trò. Nhờ đó, đến nay, cả nước đã có 4.665 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 109 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; sản xuất nông nghiệp tiến bộ vượt bậc và phát triển toàn diện; đời sống nông dân được cải thiện, nâng cao rõ rệt, thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2018 tăng 2,78 lần so với năm 2010…
Bên cạnh những kết quả tích cực, các đại biểu cho rằng, khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế như: Nông dân Việt Nam chủ yếu sản xuất nhỏ, manh mún, phân tán, có tới 69% hộ có diện tích sản xuất bình quân dưới 0,5ha; chỉ có dưới 6% hộ có diện tích trên 2ha; trình độ sản xuất, tiếp thu khoa học công nghệ của nông dân còn hạn chế…
Các đại biểu cho rằng, để hòa nhập trong bối cảnh hội nhập hiện nay, con người là yếu tố quyết định. Đối với khu vực nông thôn, để xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại, nông dân phải là chủ thể trong điều kiện mới, trong mối quan hệ liên kết trong sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi đời sống, nâng cao nhận thức, tạo tiền đề xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại…
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, để xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại, cần tiếp tục dẫn dắt nông dân nghiên cứu, giải quyết các điểm nghẽn trong thực hiện. Trong đó, tập trung đầu tư khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cân đối cung - cầu, thực hiện chuỗi liên kết khép kín, giá trị cao…
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Lê Trọng Khuê nhận định: "Sản xuất theo chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhất là khi nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là xuất khẩu".
Những năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến công tác phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản. Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội và các huyện tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên và các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp xây dựng các vùng sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi như: Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, phát triển chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản theo vùng sản xuất hàng hóa, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng với vấn đề phát triển chuỗi trong sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các đại biểu còn đi sâu làm rõ một số nội dung về: Khái niệm xã hội nông thôn văn minh, hiện đại; những giá trị văn hóa, vật chất và tinh thần của nông dân Việt Nam cần được phát huy; những giải pháp thiết thực nhằm đưa nông thôn Việt Nam hướng đến hội nhập quốc tế...