Thường trực Ban Bí thư nói về 6 điều rút ra từ vụ án AVG

Chính trị - Ngày đăng : 13:36, 27/12/2019

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, qua các vụ án kinh tế, tham nhũng trong thời gian qua, chúng ta đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong xử lý vụ việc.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Dự và phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của ngành Kiểm sát nhân dân, tổ chức tại Hà Nội, sáng 27-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, qua các vụ án kinh tế, tham nhũng trong thời gian qua, chúng ta đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong xử lý vụ việc.

Trong số các vụ án đó, vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) đang được xét xử, Thường trực Ban Bí thư nêu ra 6 điểm nhấn.

Đã xác định được hình hài "một bộ phận không nhỏ"

Trao đổi về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, đất nước đạt được nhiều thành tựu là có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan tư pháp, trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân.

Thường trực Ban Bí thư ghi nhận, ngành Kiểm sát đã tích cực đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, đạt nhiều kết quả toàn diện trên tất cả các mặt, mặc dù trong bối cảnh phải thực hiện nhiều quy định mới của các đạo luật về tư pháp và đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, chủ động hơn, gắn công tố với hoạt động điều tra; chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm.

"Vai trò công tố của kiểm sát viên tại các phiên tòa được tăng cường, chất lượng tranh tụng được nâng lên, đảm bảo khách quan, công minh, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp", Thường trực Ban Bí thư đánh giá.

Viện Kiểm sát đã nâng cao vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ngành Kiểm sát đã nghiêm túc quán triệt, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống tham nhũng. Vai trò, trách nhiệm công tố ngày càng được thể hiện rõ và tích cực, chủ động hơn.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân Tối cao, Ban Nội chính Trung ương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là việc áp dụng các biện pháp tố tụng làm rõ hành vi phạm tội; chú trọng áp dụng nhiều biện pháp bảo đảm thu hồi tài sản và đã yêu cầu thu hồi hơn 35.000 tỷ đồng cho Nhà nước (tăng 12,8%).

Đồng thời đã xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và ngành Kiểm sát.

Theo đồng chí Trần Quốc Vượng, các vụ án kinh tế, tham nhũng trong vài năm gần đây, nhất là năm 2019, đã được tiến hành điều tra, truy tố, xét xử một cách khoa học, bài bản, chắc chắn, thực hiện đúng quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đây, nhiều kinh nghiệm tốt, cách làm hay được rút ra để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.

Nói đến vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, đồng chí Trần Quốc Vượng đánh giá rằng, các cơ quan tư pháp đã làm rất tốt; đồng thời nêu lên 6 điểm nhấn qua vụ án.

"Chúng ta tạm rút ra 6 điều từ vụ án. Đây là lần đầu tiên làm rõ vụ án đúng là vụ án tham nhũng và tham nhũng với quy mô lớn. Thứ hai, đối tượng phạm tội là cán bộ cấp cao, hai bị cáo nguyên là hai Ủy viên Trung ương, đều ở vai trò lớn, ở mức án phải nói là cao nhất", Thường trực Ban Bí thư nói.

Thứ ba, đây là vụ án điển hình về khắc phục hậu quả, từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra đã thu hồi 8.000 tỷ đồng, các số tiền đưa hối lộ và hối lộ đã được thu hồi.

Thứ tư, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử đạt chất lượng cao. "Có thể nói là một vụ án điển hình về điều tra, thu thập chứng cứ, kết luận điều tra; xét xử công minh, dân chủ, khách quan; đối đáp giữa luật sư, Viện Kiểm sát rất rõ ràng.

Các vị trong ngành cũng biết, điều tra, xét xử một vụ tham nhũng, đưa hối lộ không dễ, vì toàn là chứng cứ gián tiếp. Nên đây là cố gắng rất lớn của đơn vị điều tra, kiểm sát viên.

Bây giờ, các bị can đứng trước Tòa đều công nhận, cảm ơn cơ quan điều tra, Tòa án, xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân...", Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Thứ năm, thực hiện tố tụng đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, có phân hóa đối tượng... "Viện Kiểm sát trong phiên tòa đã rất cân nhắc, và trong phiên tòa chúng ta sẽ tiếp tục cân nhắc. Với tinh thần "trị bệnh cứu người", nếu ai khắc phục đúng tinh thần của Đảng, khắc phục được hết, chúng ta khoan hồng", đồng chí Trần Quốc Vượng nói.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư với các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Vấn đề thứ sáu là vấn đề bao trùm, được Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh là việc xử lý thể hiện quyết tâm cao của Đảng trong phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm và làm triệt để.

"Mấy năm vừa qua, điều chúng ta thành công cả về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, qua đó đã khẳng định với nhân dân một điều: Chúng ta chưa làm hết, nhưng chúng ta đã thấy rõ được "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất".

Trước đây chúng ta đặt câu hỏi "một bộ phận không nhỏ" là ai, nhưng giờ đã xác định được hình hài của nó, từ cán bộ cấp thấp cho đến cấp cao, không phải hỏi việc này ở đâu để khởi tố", đồng chí Trần Quốc Vượng nói.

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Bí thư đánh giá, công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đạt nhiều kết quả tích cực, có chất lượng.

Toàn ngành kịp thời phát hiện, ban hành hàng nghìn kháng nghị, kiến nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, góp phần đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật.

Qua công tác kiểm sát, ngành đã có ý thức và làm tốt hơn công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Phải đấu tranh với những cám dỗ đời thường

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư đề nghị, toàn ngành phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đã đặt ra.

Trước hết, ngành cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, trách nhiệm to lớn của ngành Kiểm sát trong tình hình mới.

"Cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa, nâng cao trách nhiệm, bản lĩnh của ngành Kiểm sát vào sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Vừa qua, các đồng chí đã làm tốt, tới đây phải tiếp tục, kiên trì đẩy mạnh, làm tốt hơn nữa", đồng chí Trần Quốc Vượng lưu ý.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư với các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, đây chính là thực hiện sự ủy quyền của Quốc hội về giám sát quyền lực Nhà nước trong hoạt động tư pháp.

"Quyền lực trong hoạt động tư pháp rất lớn, tác động trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân, đến số phận của con người, một nội dung rất quan trọng đã được Hiến pháp bảo vệ.

Do vậy, điều này cần phải được thực thi trong khuôn khổ pháp luật, thắm đượm tinh thần nhân văn cao cả của người cộng sản", đồng chí Trần Quốc Vượng nói.

Thường trực Ban Bí thư đề nghị, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phải tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động kiểm sát tư pháp, nhất là của cơ quan điều tra, bảo đảm cơ quan này thực sự là thiết chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp, vừa răn đe, vừa cảnh báo, phòng ngừa, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ tư pháp.

Bênh cạnh đó, thực hiện quyền công tố phải gắn với hoạt động điều tra; chủ động tham gia vào quá trình điều tra, đặc biệt đối với những vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa, có quan điểm rõ ràng, chặt chẽ, thuyết phục trong xét xử; tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm.

Theo Thường trực Ban Bí thư, nhiệm vụ của người cán bộ kiểm sát nói chung và kiểm sát viên nói riêng, đòi hỏi mỗi cán bộ phải liêm, chính, chí công, vô tư; phải gương mẫu, đi đầu trong cuộc sống, công tác; đồng thời, phải kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm pháp luật, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.

"Công việc của chúng ta phải hằng ngày, hằng giờ đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực trong xã hội, thậm chí là cả người thân của mình; phải đấu tranh với những cám dỗ đời thường. Đó là thách thức không nhỏ.

Song, Đảng và nhân dân tin tưởng vào bản lĩnh, ý chí của người cán bộ kiểm sát sẽ vượt qua những thách thức đó, xứng đáng với lời Bác đã dạy "Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục", Thường trực Ban Bí thư nói.

Do đó, để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao trong bối cảnh hiện nay, toàn ngành phải hết sức quan tâm đào tạo, giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát có đạo đức cách mạng, bản lĩnh, kinh nghiệm, tính chiến đấu cao, trọng danh dự, tâm huyết; có tính chuyên nghiệp cao, giỏi chuyên môn, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học - công nghệ; có phương pháp công tác khoa học, sâu sát, thận trọng.

Theo Xuân Tùng (TTXVN/Vietnam+)