Sự trở lại nhiều ý nghĩa
Giải trí - Ngày đăng : 06:22, 28/12/2019
Sự trở lại của “thương hiệu mạnh”
Âm nhạc mùa thu là cuộc thi quốc gia duy nhất về âm nhạc cổ điển được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức lần đầu vào năm 1990. Qua 4 lần tổ chức, cuộc thi đã tìm ra nhiều tài năng âm nhạc cho đất nước, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Nhưng sau 12 năm gián đoạn, đầu tháng 12 vừa qua, cuộc thi Âm nhạc mùa thu lần thứ 5 mới được khởi động lại. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi đánh giá: “Sự trở lại của cuộc thi là dấu hiệu đáng mừng, đánh dấu sự phát triển mới của âm nhạc Việt Nam trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với quốc tế”.
Sự trở lại của cuộc thi Âm nhạc mùa thu cũng là nhằm đáp ứng nhu cầu cần có một sân chơi để thể hiện mình của những nghệ sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc này. Con số 170 nghệ sĩ trong cả nước tham gia ở 4 bộ môn: Thanh nhạc, độc tấu piano, độc tấu violin và hòa tấu đã phần nào chứng minh cho nhận định này. Chất lượng cuộc thi cũng được đánh giá cao. NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho rằng: Thí sinh dự thi ở cả 4 bộ môn đều thể hiện tính chuyên nghiệp cao, xuất hiện một số tài năng trẻ đầy triển vọng, đặc biệt là ở bộ môn piano vừa đông về thí sinh vừa có những gương mặt thực sự nổi bật.
Còn theo nghệ sĩ Phương Nga, thành viên Ban giám khảo, cuộc thi lần này hội tụ rất nhiều ngôi sao trẻ sáng giá của nghệ thuật thính phòng, opera Việt Nam như các nghệ sĩ: Đào Tố Loan, Khánh Ngọc, Quang Tú, Đinh Trang... “Đã lâu lắm rồi khán giả mới có dịp thưởng thức nghệ thuật hát thính phòng opera hay như thế. Các thí sinh đã rất cố gắng thể hiện khả năng của bản thân và đã cống hiến cho khán giả những màn biểu diễn cực kỳ ấn tượng. Tôi tin rằng tất cả những ngôi sao đăng quang năm nay sẽ được khán giả cả nước đón nhận, yêu quý và trân trọng bởi tài năng đích thực có được nhờ khổ luyện của họ”, nghệ sĩ Phương Nga chia sẻ.
Cần thêm những cơ hội
Mặc dù đã xuất hiện những gương mặt trẻ tài năng nhưng theo NSND Nguyễn Quang Vinh, bên cạnh thành công, cuộc thi vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Không ít thí sinh vẫn chưa chuẩn bị tốt và kỹ lưỡng cho phần thi của mình nên đã ảnh hưởng đến kết quả dự thi. Một số thí sinh khi biểu diễn vẫn chưa đạt kết quả tốt nhất vì yếu tố tâm lý, bị áp lực sân khấu, mất bình tĩnh. “Đây là nhược điểm lớn của thí sinh Việt Nam vì ít có cơ hội biểu diễn trước công chúng”, NSND Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
Hạn chế thấy được ở cuộc thi này cũng là hạn chế chung của việc đào tạo âm nhạc cổ điển hiện nay ở nước ta. Sự phát triển mạnh mẽ của âm nhạc đại chúng, âm nhạc giải trí đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của âm nhạc cổ điển. Không chỉ “lép vế” về số lượng người theo học, về cơ sở đào tạo, mà ngay cả các sân chơi để thí sinh có cơ hội cọ xát, học hỏi cũng rất ít, nếu không muốn nói là hiếm hoi. Nghệ sĩ piano Lê Hồ Hải, thành viên Ban giám khảo cuộc thi kiến nghị: “Thực tế cho thấy rất cần tổ chức những cuộc thi chuyên nghiệp tại Việt Nam. Đó vừa là dịp để các thi sinh cùng nhau tranh tài, học hỏi giao lưu, vừa là cơ hội cho đội ngũ giảng viên được trau dồi nghề nghiệp, cũng như cập nhật kiến thức, rút kinh nghiệm trong đào tạo”.
Chính vì vậy, sự trở lại của cuộc thi Âm nhạc mùa thu được những người trong nghề đánh giá là một hoạt động nghề nghiệp hết sức có ý nghĩa và có tầm quan trọng đối với các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Ca sĩ Đinh Trang, người vừa giành giải Ba tại cuộc thi chia sẻ: “Mong rằng cuộc thi này sẽ được tổ chức đều đặn, âm nhạc thính phòng cổ điển được quan tâm nhiều hơn để những bạn trẻ luôn nhiệt huyết, đam mê theo đuổi dòng nhạc này có thêm động lực lao động, cống hiến”.
Đánh giá cuộc thi là một trong những hoạt động nghệ thuật nổi bật trong năm, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng: Từ những điều thu nhận được qua cuộc thi, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu nghệ thuật sẽ có cơ sở đánh giá thực trạng lực lượng nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc cổ điển trong thời gian qua, có những giải pháp trong việc đào tạo, bồi dưỡng tài năng, góp phần định hướng, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giảng dạy và biểu diễn nghệ thuật trong những năm tiếp theo. Và biết đâu, từ Âm nhạc mùa thu, nhiều cơ hội khác sẽ được mở ra với những người đang theo đuổi âm nhạc hàn lâm, giúp họ có thêm cơ hội trưởng thành và khẳng định tài năng không chỉ ở trong nước.