Thủ tướng gợi ý Bộ TT-TT nghiên cứu về tên gọi mới là Bộ Truyền thông và Kinh tế số
Chính trị - Ngày đăng : 15:28, 28/12/2019
Năm 2019, tổng doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông đạt 3.100.000 tỷ đồng (tương đương gần 135 tỷ USD), tăng 8,8% so với năm 2018; nộp ngân sách đạt 99.820 tỷ đồng (hơn 4,3 tỷ USD), tăng 23,4%.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đã hoàn thành một số nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 (tổ chức ngày 15-1-2019). Cụ thể, xây dựng bộ mã bưu chính đến địa chỉ và khả năng giao hàng đến gần 27 triệu hộ gia đình Việt Nam, thúc đẩy phát triển các giao dịch thương mại điện tử; xây dựng lộ trình tắt sóng công nghệ di động 2G, thực hiện hỗ trợ máy 4G cho người dân, giúp đưa Việt Nam thành một trong số ít các nước mà người dân sử dụng 100% máy điện thoại thông minh, sẵn sàng cho công dân điện tử; triển khai nhiều giải pháp để xây dựng chương trình “Make in Vietnam”...
Về nhiệm vụ năm 2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đây sẽ là năm chuyển đổi số quốc gia, năm khởi động mạnh mẽ để tiến tới một Việt Nam số. Đây sẽ là một sự chuyển đổi sâu sắc và toàn diện, mà đầu tiên là sự chuyển đổi về phương thức, quy trình vận hành, về cách làm việc trong mọi lĩnh vực. Công nghệ số sẽ là công cụ tốt nhất để giúp thực hiện công cuộc chuyển đổi rất to lớn này.
Kinh tế số là động lực quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2019, kiểm điểm lại, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiều tiến bộ, đã giữ lời nói đi đôi với việc làm. Ngành đã vượt qua nhiều thách thức, nhất là về cạnh tranh nhân tài và công nghệ, hay các thách thức về bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng…
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi viễn thông tăng trưởng gần 19%, với sự đóng góp của 50.000 doanh nghiệp công nghệ; công nghiệp công nghệ thông tin duy trì tăng trưởng 10%. Thủ tướng cũng đánh giá cao việc Bộ Thông tin và Truyền thông nhận nhiệm vụ là cơ quan thường trực về chủ trương xây dựng chính phủ điện tử và đã làm được một số việc như vừa khởi động chương trình đào tạo 100 chuyên gia chính phủ điện tử.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra các mặt còn tồn tại như: Mạng viễn thông chậm chuyển đổi sang hạ tầng số, tỷ lệ người dùng dữ liệu di động chưa cao. Vấn đề an ninh, an toàn mạng còn nhiều bất cập. Trong lĩnh vực báo chí, hoạt động của một số tờ báo chưa đúng tôn chỉ, mục đích, báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin; nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, bị đánh hội đồng. Việc đưa nhiều thông tin tiêu cực đã làm suy giảm năng lượng tích cực của xã hội, chưa tạo nên một khát vọng trong xây dựng đất nước, những thông tin xấu, độc gây nhiễu làm cho người dân, xã hội thiếu niềm tin nên chúng ta phải khắc phục tốt hơn.
Thủ tướng cho rằng, muốn phát triển thì động lực quan trọng nhất là sử dụng công nghệ, nhất là công nghệ số. “Cho nên có thể nói, thông tin và truyền thông được ví như mặt trận không bao giờ im tiếng súng”, Thủ tướng nói.
Những dòng chảy liên tục của thông tin đã đem lại những tác động phong phú đến đời sống tinh thần, tình cảm của gần 100 triệu người dân Việt Nam trong và ngoài nước, cùng với đó là sự đấu tranh không khoan nhượng trên mặt trận thông tin, giữa thật và giả, giữa tiêu cực và tích cực. Thủ tướng yêu cầu cán bộ ngành Thông tin và Truyền thông phải là những người luôn giữ cái đầu lạnh và một trái tim hồng.
Năm 2020, chúng ta tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ coi kinh tế số là động lực quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phải giữ vai trò đặc biệt trong việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm nền tảng để phát triển nền kinh tế số.
Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đặt vấn đề phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nói chung và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nói riêng, là định hướng quan trọng để xây dựng Việt Nam thành nước công nghệ phát triển. Từ đó, Thủ tướng gợi ý Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu về tên gọi mới của Bộ là Bộ Truyền thông và Kinh tế số.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ ban hành chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ngay trong tháng 1-2020 để từ đó định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh, chương trình “Make in Vietnam” là một định hướng lớn, là tuyên bố về sự chuyển dịch từ gia công sang làm chủ và sáng tạo về công nghệ tập trung các giải pháp phát triển Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin phải đi đầu trong chiến lược “Make in Vietnam”.
“Phát triển mạnh mẽ số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin, tăng quy mô cả về số lượng và doanh thu. Tổng doanh thu 110 tỷ USD là tiến bộ, nhưng phấn đấu có quy mô tốt hơn. Không chỉ là 50.000 mà phải phấn đấu có 100.000 doanh nghiệp công nghệ, trong đó không chỉ có một số doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, CMC, mà phải có hàng trăm, hàng chục doanh nghiệp có quy mô lớn như thế để doanh thu, hiệu quả cao hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về vấn đề an toàn, an ninh mạng, Thủ tướng nhấn mạnh đây là điều kiện tiên quyết của chính phủ điện tử, chuyển đổi số. Bảo vệ an toàn, an ninh mạng chính là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.
Về xây dựng chính phủ điện tử, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam vẫn đang ở thứ hạng khiêm tốn, do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông có vai trò cải thiện thứ hạng này, trong đó phải trực tiếp xử lý và tham mưu xử lý các vấn đề về công nghệ; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Thông tin và Truyền thông áp dụng công nghệ 4.0 vào các cuộc họp cấp bộ trưởng khu vực năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN; đưa vào vận hành trung tâm nghiên cứu chính sách 4.0; xây dựng chiến lược sách quốc gia, đưa sách về với các trường, thôn, xã, hộ gia đình...
Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nghiêm túc, chủ động hơn nữa quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, không được lùi thời gian. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có giải pháp mạnh mẽ, cương quyết hơn nữa yêu cầu các mạng xã hội nước ngoài tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng đề cập “4 con hổ” là biểu tượng của sự trỗi dậy của châu Á.
“Việt Nam có thể là một biểu tượng tiếp theo của sự trỗi dậy châu Á nếu tầm nhìn 2045 trở thành hiện thực với quyết tâm của chúng ta", Thủ tướng khẳng định.
* Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố lễ khởi động chương trình đào tạo 100 chuyên gia chính phủ điện tử và lễ ra mắt Liên minh phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam (gồm 21 doanh nghiệp công nghệ, bảo mật).
Trước đó, vào đầu giờ sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các bộ, ban, ngành đã tham quan các gian trưng bày của các doanh nghiệp trong ngành với chủ đề “Make in Vietnam”.