Cải thiện môi trường kinh doanh - chặng đường dài nhưng không được bỏ cuộc
Xã hội - Ngày đăng : 06:27, 29/12/2019
Dấu ấn cải cách từ góc nhìn hai chiều
- Thưa ông, có nhận xét cho rằng môi trường kinh doanh đã được cải thiện nhiều, vấn đề này cần được nhìn nhận cụ thể như thế nào?
- Cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp bằng tinh thần cầu thị, trách nhiệm là chủ trương, mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ. Từ đó, Chính phủ liên tục chỉ đạo, giao nhiệm vụ và đôn đốc thực hiện; đồng thời coi kết quả cải cách vì doanh nghiệp là căn cứ đánh giá hiệu quả, mức độ hoàn thành công vụ của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Chưa bao giờ nhiệm vụ cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh được đặt ra một cách quyết liệt, thống nhất như hiện nay. Thực tế cho thấy, tinh thần khởi nghiệp và niềm tin vào tương lai kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân được nâng lên một bước và lan tỏa hơn hẳn so với giai đoạn trước.
Tôi có thể nêu một số minh chứng như số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm nay lên tới 138.000 đơn vị, nhiều chỉ số xếp hạng và sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam tăng rõ rệt.
Đặc biệt, hai chữ “khởi nghiệp” dần trở thành từ khóa quen thuộc trong xã hội; hàng loạt cuộc gặp gỡ, tham vấn, nghiên cứu khả năng đầu tư của giới đầu tư nước ngoài đã diễn ra... Việt Nam trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh hội nhập và cần xác định đó là bước chuyển lớn, thời cơ để hun đúc khát vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
- Vậy, ông có thể nêu những nguyên nhân, động lực nào tạo ra sự chuyển biến tích cực trên?
- Theo tôi, kết quả trên chủ yếu xuất phát từ mục tiêu đưa nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững của Chính phủ. Đó còn là mong mỏi hiện thực hóa ước mơ đưa đất nước phát triển nhanh, sớm tiến tới thịnh vượng của cả hệ thống chính trị và từng người dân. Trong đó, sự quyết tâm, vào cuộc liên tục, nhất quán từ người đứng đầu Chính phủ đến đội ngũ cán bộ, công chức và sự tự giác vươn lên của mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh là những yếu tố quan trọng nhất.
Đi vào cụ thể, có thể lấy sự ra đời của Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay ngày đầu năm là bước tiến có tính bứt phá trong cải cách, vì doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên việc xây dựng thể chế kinh tế được xác định rõ nét, đặt Việt Nam vào cuộc đua cải thiện môi trường kinh doanh theo thước đo, chuẩn mực thế giới.
Từ đó, các cơ quan chức năng có thể soi chiếu, xác định vị trí mình đang ở đâu, cần làm gì để đạt mục tiêu. Tính chung, chúng ta đã đơn giản hóa, cắt giảm hơn 50% số điều kiện kinh doanh và cũng nhận được sự đồng thuận nhất định từ phía doanh nghiệp. Cơ quan chức năng đã “khai tử” nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý, cản trở doanh nghiệp.
Tuy rằng, chất lượng của sự cắt giảm đến đâu và có tương xứng không vẫn là câu chuyện cần bàn để “cân đo” giá trị đích thực. Theo tôi, doanh nghiệp là bên chịu tác động trực tiếp cũng như có cách đánh giá chính xác hơn cả...
Đặc biệt, cần hiểu thêm rằng trong giai đoạn đầu tập trung cải cách thì cơ hội để nhìn rõ những tồn tại, quy định bất hợp lý sẽ dễ hơn, dễ điều chỉnh hơn, tức là dư địa cho cải cách là lớn. Thế nhưng, từ nay về sau việc này sẽ khó hơn, bởi yêu cầu sẽ cao hơn và dư địa cũng hạn hẹp hơn.
- Thực tế, cơ quan quản lý đều khẳng định kết quả cải thiện môi trường kinh doanh là tích cực, nhưng phản hồi từ phía doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
- Tôi cho rằng, những người quan tâm, nhất là doanh nghiệp có thể thấu hiểu câu nói “thể chế nào, doanh nghiệp đó”. Ở đây có yêu cầu và dấu ấn của Nhà nước về vai trò dẫn hướng, xác lập thể chế kinh tế, quy định pháp luật minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ra đời, phát triển. Thực tế cho thấy, vẫn còn không ít sự hoài nghi về hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh và có nguyên do của nó. Nếu môi trường không hoàn thiện, không thuyết phục và không chạm đến tâm khảm của người muốn khởi nghiệp thì họ sẽ băn khoăn, e ngại không dám khởi nghiệp.
Có thể liên tưởng một cách cụ thể là, nếu đã chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp mà phải chờ đợi lâu thì doanh nhân sẽ mất công sức, thời gian để chờ nhận được “giấy khai sinh” của doanh nghiệp; sau đó đưa doanh nghiệp vào hoạt động.
Nhưng, vì mất nhiều thời gian nên có thể mất cơ hội kinh doanh, vì thời cơ, thời điểm để gia nhập thị trường, bứt phá theo ý tưởng của mình đã vuột mất. Như vậy, thay vì có thể thành công, cá nhân người đó lại thất bại khi tham gia thị trường do thực tế không diễn ra như định liệu và việc này không khác gì bị “nhỡ tàu”.
Vấn đề cần hình dung là nếu doanh nghiệp thất bại một cách không đáng có sẽ ảnh hưởng thế nào đến xã hội, gây thiệt hại về kinh tế, kể cả mất đi tinh thần sẵn sàng khởi nghiệp nói chung. Nói cách khác, nếu doanh nghiệp bị bỏ rơi tức là họ bị “cô đơn” trên con đường kinh doanh. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng chi phí không chính thức, giấy phép con, thanh kiểm tra nhiều... gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2020
- Ở thời điểm này, có thể đề cập đến câu chuyện cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn nữa trong năm 2020, thưa ông?
- 2020 sẽ là một năm hoạt động cải cách, tạo dựng thể chế kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng và thực chất hơn. Hệ thống cơ quan chức năng cũng sẽ nỗ lực để sớm đưa Việt Nam vào nhóm các nước có sức cạnh tranh cao nhất ASEAN; từ đó hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn. Tôi cho rằng, năm 2020 các cơ quan chức năng sẽ tập trung tạo điều kiện tốt để đón nhận sự trưởng thành của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Dư luận đang cảm nhận sức nóng từ cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với doanh nghiệp vừa diễn ra tại Hà Nội, với thông điệp Chính phủ, các bộ, ngành đồng hành cùng doanh nghiệp. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu hệ thống cơ quan chức năng, địa phương đồng loạt vào cuộc, triển khai thực hiện nhiệm vụ với tinh thần tự giác và trách nhiệm cao nhất.
Trong đó, cần ghi nhớ chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nội dung là nếu một thương hiệu mất đi, một doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đều liên quan và có trách nhiệm của Nhà nước. Vì vậy, không chấp nhận thái độ thờ ơ, vô cảm khi giải quyết nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp.
Như đã biết, doanh nghiệp quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp cả nước và điều đó cho thấy sứ mệnh của họ trong công cuộc phát triển kinh tế. Việc khởi nghiệp hiện nay không chỉ phụ thuộc vào tiềm lực tài chính, quan hệ với cách tiếp cận truyền thống thuần túy như trước đây, mà thực tế đang chuyển sang cách khởi nghiệp sáng tạo; phù hợp với việc đón lõng và tận dụng cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
- Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng phải tự “lớn”, nỗ lực phát triển chứ không thể chỉ dựa vào cơ chế, chính sách, thưa ông?
- Đúng vậy, không ai làm hộ doanh nghiệp. Bản thân mỗi doanh nhân dấn thân vào thị trường đã là sự lựa chọn chông gai. Doanh nghiệp phải chủ động khắc phục một số hạn chế như công nghệ lạc hậu, yếu kém trong quản trị, thiếu vốn, mặt bằng, thiếu chủ động trong hội nhập...
Đặc biệt, vẫn còn sự lỏng lẻo, thiếu gắn kết giữa các đơn vị dẫn đến tình trạng lẻ loi, lúng túng. Chủ doanh nghiệp phải tự xác định mục tiêu và biết cách làm gì để đạt mục tiêu trong hoàn cảnh cạnh tranh như hiện nay. Ngoài ra, cần nhận diện và phát huy hình ảnh một số điểm sáng, doanh nghiệp lớn đã thành công trong việc xác lập thương hiệu để quy tụ, nâng đỡ những doanh nghiệp nhỏ hơn...
Trước yêu cầu thượng tôn pháp luật và minh bạch, mỗi doanh nghiệp phải tự giác tuân thủ quy định pháp luật, biết hướng thiện trong kinh doanh, cũng như trách nhiệm với cộng đồng. Doanh nghiệp phải biết liên kết trong chuỗi giá trị chung, gắn liền với giá trị quốc gia, chia sẻ cơ hội, chủ động trở thành đối tác của nhau để cùng phát triển. Như Thủ tướng Chính phủ khẳng định, không chấp nhận cách làm ăn chộp giật, vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh chung; nếu vi phạm cần xử lý nghiêm...
- Với mục tiêu phấn đấu có một triệu doanh nghiệp vào năm 2020, ông nhìn nhận như thế nào về việc này?
- Đây là câu hỏi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Theo tôi, câu trả lời còn bỏ ngỏ, vì đó là một thách thức không dễ vượt qua. Đến nay, cả nước có gần 800.000 doanh nghiệp và cũng chỉ còn một năm nữa để thực hiện mục tiêu nói trên. Như vậy, càng phải tập trung khuyến khích các hộ gia đình tự giác chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp; mà xét về bản chất thì họ đã là đơn vị sản xuất, kinh doanh thật sự. Vấn đề là phải tạo dựng được hành lang pháp lý để quản lý khoa học, phù hợp với yêu cầu chung, qua đó huy động tối đa nguồn lực đang có.
Nói cách khác, hộ kinh doanh cần được định nghĩa, được chính danh; đừng để họ như “ốc đảo” trong nền kinh tế... Về tổng thể, việc cải thiện môi trường kinh doanh là chặng đường dài, nhưng không bao giờ được bỏ cuộc.
- Trân trọng cảm ơn ông!