Đổi mới để ”hút” người xem
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:37, 29/12/2019
Không thể phủ nhận, sự bùng nổ của các chương trình giải trí, gameshow truyền hình, giải trí trực tuyến khiến lĩnh vực sân khấu ít nhiều bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh ấy, sân khấu Thủ đô đã bước đầu có sự chuyển mình để thích ứng với thị hiếu khán giả; trong đó, phải kể đến một số tác phẩm sân khấu phần nào đã theo kịp tư duy của thời đại. Người sáng tạo tác phẩm nghệ thuật bắt đầu quan tâm những đề tài của “thời đại số”; hoặc kết hợp giữa các loại hình sân khấu để tạo không khí mới mẻ, cuốn hút khán giả.
Đáng chú ý là nhiều đơn vị nghệ thuật đã chú trọng ứng dụng công nghệ mới vào sân khấu để thay đổi phương thức thể hiện, giúp khán giả có trải nghiệm thú vị. Có thể kể gần đây là Nhà hát Kịch Hà Nội đã lắp đặt thành công sân khấu quay hiện đại đầu tiên ở miền Bắc tại Rạp Công Nhân. Hay như Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội với vở thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” đã sử dụng kỹ thuật chiếu sáng tạo hiệu ứng 3D…
Tiếp tục xu hướng này, trên sân khấu Thủ đô dịp Tết, bên cạnh các vở diễn mang tính chính kịch, đậm hơi thở đương đại, các nhà hát còn chú ý thực hiện những chương trình có màu sắc tươi vui, giàu tình cảm và ý nghĩa nhân văn, phù hợp với việc nhân dân du xuân, đón Tết.
Phải khẳng định, về tổng thể, sân khấu Thủ đô, trong bất cứ hoàn cảnh nào cần xác định mục tiêu quan trọng trước tiên là hướng đến khán giả, phục vụ tốt nhu cầu thưởng thức của người xem. Do đó, điểm cốt yếu là phải biết cách chọn kịch bản phù hợp, làm ra những vở diễn hay, thu hút và phù hợp mọi đối tượng khán giả, nhất là trong dịp Tết đến, xuân về.
Muốn vậy, việc quan trọng trước tiên là người sáng tác tác phẩm nghệ thuật cần đặt yếu tố sáng tạo lên hàng đầu, tránh đi vào lối mòn, thiên về kể chuyện với các đề tài hiện thực hoặc phục dựng y nguyên những vở diễn lịch sử, dân gian… Về cơ bản, tác phẩm dù là chính kịch hay tươi vui thì vẫn cần có tính dự báo, hướng khán giả đến những suy nghĩ nhân văn, tốt đẹp hơn về đời sống xã hội. Việc này không dễ, đòi hỏi các đơn vị nghệ thuật phải có cái nhìn đa chiều, sâu lắng và phải biết tiếp nhận, cập nhật xu thế để tạo ra những không gian mới, lớp người mới cho quá trình sáng tạo cả về phương thức thể hiện lẫn nội dung tác phẩm. Và cái đích cuối cùng phải làm cho tác phẩm hấp dẫn, dễ tiếp cận khán giả hơn, nhưng không mất đi giá trị truyền thống vốn có.
Đặc biệt, cả trước mắt - phục vụ khán giả dịp Tết này và tính kế hoạch dài hơi, các đơn vị nghệ thuật, cơ quan chức năng cần quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu biểu diễn nghệ thuật hiện nay.
Ngoài ra, còn cần tạo điều kiện cho nghệ sĩ tiếp cận, thâm nhập để phát huy tài năng, sức sáng tạo trong những vấn đề mới, kỹ thuật và công nghệ mới. Vấn đề này cũng cần chú trọng việc xã hội hóa hoặc huy động sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật tư nhân.
Công tác thông tin, truyền thông cũng cần thực hiện bằng nhiều cách thức, trên cơ sở phải tương tác hiệu quả, kịp thời với khán giả. Do vậy, ngoài kênh truyền thống, các nhà hát cần chú trọng mở các kênh truyền thông trên mạng xã hội, website của từng đơn vị để tiếp cận nhanh chóng và thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng khán giả, nhất là lớp trẻ.
Nhìn tổng thể, việc luôn nâng cao chất lượng chương trình, hướng mạnh đến khán giả sẽ là yếu tố "sống còn" cho các sàn diễn sân khấu trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.