Nhiều khó khăn trong thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng, kinh tế
Pháp luật - Ngày đăng : 15:51, 30/12/2019
Nhiệm vụ nặng nề
Trong năm 2019, Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý tổng số tiền cần phải thu hồi là hơn 65.336 tỷ đồng. Trong số này, ủy thác thu hồi hơn 330 tỷ đồng và trực tiếp thu hồi là hơn 65.005 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế tổng số tiền có điều kiện giải quyết chỉ chiếm hơn 72%, tương đương với hơn 46.996 tỷ đồng.
Theo thống kê, từ ngày 1-10-2018 đến ngày 30-9-2019, Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý tổng số 310 việc liên quan đến thu hồi tài sản chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Trong số này, có 201 việc có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 67%); đã giải quyết được 61 việc, đạt tỷ lệ 30,85%, thu hồi được hơn 14.177 tỷ đồng.
Theo ông Trần Đình Hoàng, Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, để có được những kết quả nêu trên, Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan để thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, tài sản đảm bảo thi hành án ở các vụ án tham nhũng, kinh tế có giá trị lớn nằm ở nhiều địa phương khác nhau. Lực lượng THADS thành phố Hồ Chí Minh phải thu hồi xong trên địa bàn mình, mới được ủy thác thu hồi cho THADS các địa phương khác, nên thường phải kéo dài thời gian thi hành án. Ngoài ra, còn gặp khó khăn trong kê biên tài sản đảm bảo thi hành án do người có tài sản đó đã có sai phạm trong các giao dịch dân sự khác, nên đã bị thu hồi.
Còn nhiều vướng mắc
Bản án số 02/2015/HSPT của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh tuyên kê biên một loạt các tài sản đảm bảo thi hành án đối với bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như, trong đó có căn biệt thự số 39 thuộc dự án The Garland tại phường Phước Long B (quận 9), do Công ty Vinacapital Phước Điền làm chủ đầu tư, có trị giá hơn 7,45 tỷ đồng. Trong số này, Huỳnh Thị Huyền Như đã thanh toán 78,5%, tương đương hơn 5,85 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo thông báo của Công ty Vinacapital Phước Điền, do Huỳnh Thị Huyền Như vi phạm tiến độ thanh toán theo hợp đồng, nên công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, thu hồi căn biệt thự trước ngày Cơ quan cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) kê biên (ngày 3-10-2011). Vì vậy, công ty chỉ trả lại số tiền mà Huỳnh Thị Huyền Như đã thanh toán, sau khi trừ đi số tiền phạt chậm thanh toán, chứ không thể giao biệt thự cho lực lượng thi hành án.
Theo ông Trần Đình Hoàng, việc khó khăn trong thu hồi, tiền tài sản từ những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn còn gặp khó khăn do cơ quan điều tra kê biên tài sản trên giấy, nhưng trên thực tế chưa xác định được tài sản này, mà vụ bị cáo Hứa Thị Phấn là một ví dụ điển hình.
Theo bản án tòa tuyên, bị cáo Hứa Thị Phấn phải bồi hoàn cho Ngân hàng Đại dương số tiền 500 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã kê biên tài sản là quyền sử dụng 281,5m2 đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thửa đất số 56, tờ bản đồ số 91 tại số 2, đường D96, khu Biệt thự Saigon Pearl, số 92 đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo thi hành án. Nhưng trên thực tế, Cơ quan THADS thành phố Hồ Chí Minh chưa thể đấu giá tài sản này để thu hồi tiền vì trên thực địa không xác định được ranh giới chính xác.
Để giải quyết được những vướng mắc tương tự, theo ông Trần Đình Hoàng, cơ quan thi hành án thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công dân trên toàn quốc để có thể đẩy nhanh tiến độ xác minh, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của đương sự, đảm bảo tiến trình giải quyết thi hành án các vụ án tham nhũng, kinh tế không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh mà còn trên phạm vi toàn quốc.