Xét xử vụ án nhà đất 15 Thi Sách: Viện Kiểm sát đối đáp tại phiên tòa
Pháp đình - Ngày đăng : 16:58, 30/12/2019
Ngày 30-12, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” đối với các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của UBND thành phố Hồ Chí Minh.
Tại phiên tòa hôm nay, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân giữ quyền công tố tại tòa đã trình bày quan điểm đối đáp lại với các luật sư.
Vụ án có thiệt hại không?
Bào chữa tại tòa, Luật sư Trần Minh Hải (Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, bào chữa cho bị cáo Tín), cho rằng khoản tiền 802 tỷ đồng tiền sử dụng đất chưa thu không phải là thiệt hại của vụ án.
Theo Luật sư Hải, vụ án này không có thiệt hại bởi Nhà nước chưa chuyển giao quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 (Công ty Bắc Nam 79) nên nếu không thu được tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất vẫn thuộc về Nhà nước và không có thiệt hại phát sinh. Do đó, cần phải loại trừ việc xem xét trách nhiệm của ông Tín đối với số tiền này.
Về khoản tiền 6,7 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng trên đất, Luật sư Hải bào chữa, trong việc cấn trừ khoản tiền này vào tiền thuê đất của Công ty Bắc Nam 79, UBND thành phố Hồ Chí Minh dựa trên quan điểm coi công ty này là tổ chức bình phong của Bộ Công an, còn Bộ Tài chính xem xét Công ty Bắc Nam 79 là doanh nghiệp đơn thuần. Từ đó đã dẫn đến sự xung đột trong cách nhìn nhận về mục đích cho thuê đất đối với Công ty Bắc Nam 79. Vì vậy, Luật sư Hải cho rằng, dù ông Tín thừa nhận sai trong việc khấu trừ nhưng cái sai này xuất phát từ khoảng trống pháp lý.
Bào chữa bổ sung cho bị cáo Tín, Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Bộ Công an có nhiều văn bản, chỉ thị để Công ty Bắc Nam 79 thuê đất nhằm phục vụ công tác tình báo. Đây là văn bản pháp luật đặc thù nên ông Tín cho rằng cần phải thực hiện theo pháp luật đặc thù thay vì Luật Đất đai.
Hiện nay, UBND thành phố chưa có hướng dẫn nào về việc khi có quy định đặc thù và các quy định pháp luật khác sẽ áp dụng văn bản pháp luật nào? Trong vụ án này, có sự xung đột trong việc thực hiện các văn bản pháp luật và nhận thức của các bị cáo chứ không phải các văn bản pháp luật có mâu thuẫn với nhau.
Bào chữa cho bị cáo Đào Anh Kiệt, Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, căn cứ quy định pháp luật về ngành tình báo thì UBND thành phố Hồ Chí Minh và Sở Tài nguyên và Môi trường, vào thời điểm xảy ra sự việc đã nhận thức và hỗ trợ đúng đối tượng là Công ty Bắc Nam 79 - "công ty bình phong của Bộ Công an".
Trong trường hợp UBND thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường biết được ý định thực hiện hành vi phạm tội của Vũ “nhôm”, các bị cáo ngày hôm nay phải bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” với vai trò là đồng phạm, chứ không phải bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Hữu Tín mong Hội đồng xét xử có kiến nghị đến cơ quan chức năng liên quan ban hành các quy chế, quy trình hướng dẫn chi tiết về việc hỗ trợ cho công tác tình báo hay công an, để sau này dù tạo điều kiện tối đa cho lực lượng này, sẽ không ai bị vướng vào lao lý như các bị cáo trong vụ án, cũng như không tạo điều kiện cho những kẻ khác thâu tóm tài sản nhà nước.
Các bị cáo còn lại mong muốn, khi lượng hình đề nghị Hội đồng xét xử xem xét nguyên nhân dẫn đến hành vi sai phạm, tất cả vì mục đích phục vụ an ninh quốc phòng, không vì động cơ, tư lợi cá nhân.
Không có xung đột pháp luật
Đối đáp tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát đánh giá một cách tổng thể vụ án xảy ra có phần trách nhiệm của bị án Phan Văn Anh Vũ, bị án Trần Việt Tân (nguyên Thứ trưởng Bộ Công an) và cấp dưới. Các bị án đã lợi dụng danh nghĩa Bộ Công an phát hành nhiều văn bản, đóng dấu mật gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cho Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 của Vũ "nhôm" được thuê mua đất chỉ định dẫn đến hậu quả nên cũng cần xem xét khách quan và công bằng hơn về trách nhiệm của các bị cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, dù các bị cáo luôn cho rằng hành vi của mình nhằm phục vụ cho mục đích an ninh quốc phòng thì cũng phải làm đúng quy định của pháp luật về đất đai và quản lý công sản. Hành vi của các bị cáo cho dù chưa xác định có lý do vụ lợi nhưng đã làm sai quy định nên phải chịu trách nhiệm tương xứng.
Theo Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Đức Bằng, không có chuyện xung đột pháp luật trong vụ án này. Nhà đất 15 Thi Sách chịu sự quản lý về pháp luật về đất đai và pháp luật về quản lý công sản. Trong vụ án này, việc giao đất công cho doanh nghiệp sử dụng vào mục đích thương mại phải thông qua đấu giá, còn nếu phục vụ vào mục đích an ninh quốc phòng phải có ý kiến của Thủ tướng.
Nghị định 162/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định thi hành Pháp lệnh tình báo và Chỉ thị số 936/CT-TTg là các văn bản dưới luật, không được phép trái luật. Có thể trong thực tế một số vấn đề thực hiện chưa được hướng dẫn chi tiết chứ không có chuyện xung đột giữa các văn bản pháp luật.
Kiểm sát viên nhấn mạnh: “Nếu tất cả các bị cáo thực hiện đúng thẩm quyền giải quyết, tham mưu đúng quy trình thực hiện theo quy định của pháp luật, các bị cáo đã không phải hầu tòa hôm nay; không có nghĩa công văn 3702 của Bộ Công an là sai thì loại trừ trách nhiệm của các bị cáo".
Kiểm sát viên bác bỏ ý kiến của luật sư cho rằng nếu trong vụ việc này, triển khai đấu giá sẽ lộ bí mật “công ty bình phong” và cho rằng, trong trường hợp này đất thực sự được sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng phải tuân thủ việc xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ như quy định.
Về quan điểm của luật sư cho rằng số tiền 802 tỷ đồng không phải thiệt hại của vụ án, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định rằng, đây là số tiền sử dụng đất tại số 15 Thi Sách (tính đến thời điểm khởi tố vụ án hình sự ngày 17-9-2018) đáng lẽ ra Nhà nước phải thu. Đây là con số tương đối tính đến thời điểm khởi tố vụ án và chưa xét đến nhiều thiệt hại có thể phát sinh khác.
Trên thực tế, hành vi vi phạm của các bị can tạo điều kiện Phan Văn Anh Vũ và các đối tác xây dựng công trình cao 18 tầng, bán và cho thuê cho 114 khách hàng trong và ngoài nước, thu hơn 1.033 tỷ đồng (trong đó đã chi phí thực hiện dự án 717,9 tỷ đồng). Không chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước, hành vi phạm tội của các bị can đã gây thiệt hại cho những người thứ ba trong giao dịch, mua bán hợp pháp tại số 15 Thi Sách và đến nay việc xử lý thiệt hại này rất khó khăn, phức tạp.
Về số tiền 6,7 tỷ đồng là tiền bồi thường giải phóng mặt bằng trên đất, đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, đây là khoản tiền riêng phải nộp vào ngân sách và Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 đã nộp, còn tiền cho thuê đất là khoản riêng. Nếu làm đúng, Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 vừa phải nộp 6,7 tỷ đồng tài sản trên đất bị đập bỏ để họ sử dụng diện tích đất cho mục đích riêng của họ vừa phải nộp thêm một khoản tiền thuê đất theo duyệt giá của UBND thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hai khoản tiền khác nhau, không thể có câu chuyện khấu trừ nên 6,7 tỷ đồng rõ ràng là thiệt hại.
Đại diện Viện Kiểm sát cũng cho biết do đã xét đến hành vi sai phạm của các bị cáo một phần xuất phát từ hành vi sai phạm của các bị án trong vụ án Phan Văn Anh Vũ nên khi đề nghị mức án, Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án dưới khung hình phạt quy định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015. Điều này đã thể hiện sự khoan hồng của pháp luật và Viện Kiểm sát đã xem xét đầy đủ những yếu tố khách quan của vụ án.
Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh) và Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh) mức án từ 7-8 năm tù; Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh) và Trương Văn Út (nguyên Phó trưởng phòng Phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh) mức án 5-6 năm tù; Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh) từ 4-5 năm tù; cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.
Nói lời sau cùng, các bị cáo nhận trách nhiệm về hành vi và mong muốn Hội đồng xét xử xem xét đầy đủ các chứng cứ, yếu tố khách quan khi lượng hình. Hội đồng xét xử bước vào nghị án và sẽ tuyên án vào sáng mai, 31-12.