Đề xuất nhiều giải pháp nhằm hoàn thành kế hoạch phát triển năm 2020
Kinh tế - Ngày đăng : 19:41, 30/12/2019
Dự trữ ngoại hối đối phó với các “cú sốc” từ bên ngoài
Nêu ý kiến tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, riêng năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 20 tỷ USD, tức là đưa ra nền kinh tế xấp xỉ 500 nghìn tỷ đồng nhưng vẫn chủ động điều tiết bảo đảm không gây tác động lạm phát.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đạt xấp xỉ 79 tỷ USD, nhờ đó, đã giúp khơi thông nguồn lực ngoại tệ, có nguồn dự trữ ngoại hối đối phó với các “cú sốc” từ bên ngoài.
Để góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2020, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, Thống đốc Lê Minh Hưng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trong chỉ đạo để đạt mục tiêu lạm phát, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá.
Về phần mình, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ quyết liệt cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, bảo đảm đúng lộ trình theo chỉ đạo của Thủ tướng; chủ động phối hợp với các ngành hàng, hiệp hội, địa phương điều tiết thị trường; bảo đảm thanh khoản, điều chỉnh các mặt bằng lãi suất, lãi suất điều hành phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Phát triển thị trường là khâu quyết định tăng trưởng
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thông tin, năm 2020 chỉ tiêu của ngành Nông nghiệp là khá cao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt từ 2,91-3%; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt từ 41,5-42 tỷ USD; có ít nhất 59% số xã cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.
Để đạt mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các biện pháp, kế hoạch thực hiện để phấn đấu đạt được các chỉ tiêu cao nhất mà Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra. Trong quá trình thực hiện, đối với thị trường thịt lợn, ngành Nông nghiệp đang tập trung tái đàn dần ở các tỉnh để tháng 1-2020 không xảy ra thiếu thực phẩm, tránh để chỉ số giá tiêu dùng tăng cao ngay từ quý đầu năm. Song song đó, ngành cũng nâng cao kỹ năng, năng lực ứng phó với các tình huống xảy ra được coi là giải pháp thường trực cần hướng tới.
Ngành Nông nghiệp cũng tập trung ứng dụng khoa học - công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường là khâu quyết định tăng trưởng. “Bên cạnh các thị trường Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc thì chúng tôi đặc biệt coi trọng hướng tới thị trường ASEAN và sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các địa phương, doanh nghiệp, ngành hàng chuẩn bị đủ các điều kiện để thực hiện tốt vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn vừa qua đã diễn ra mạnh mẽ, bước đầu có chuyển biến tích cực. Đến nay, trong 67 mục tiêu đặt ra đến năm 2020, có 27 mục tiêu hoàn thành (chiếm 40,3%), 23 mục tiêu có khả năng hoàn thành (chiếm 35,8%) và 17 mục tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành (chiếm 23,9%).
Trên cơ sở tình hình thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, năm 2020, việc hoàn thiện thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phải được xác định là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành tổng kết việc thực hiện mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế cho giai đoạn 2016-2020 và đề ra giải pháp cho giai đoạn tiếp theo để kịp thời tận dụng các thời cơ, tạo tiền đề chuyển đổi rõ nét hơn mô hình tăng trưởng, đưa đất nước lên nấc thang phát triển mới.
“Đối với các mục tiêu không có khả năng hoàn thành, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động báo cáo và đề xuất với Chính phủ để có biện pháp tháo gỡ, điều chỉnh kịp thời…” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Duy trì môi trường ổn định, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, năm 2019 có nhiều khó khăn phát sinh, tác động không thuận đến sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đã đạt được.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ, năm 2020 sẽ ẩn chứa nhiều khó khăn, thách thức khi tình hình thế giới diễn biến nhanh, các đối tác, thị trường lớn khó đoán định, chưa thể dự báo hết được. Các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 được xác định với yêu cầu rất cao (so với nền tảng đã đạt được ở mức cao của năm 2019) cũng là thách thức lớn đối với các bộ, ngành, địa phương. Vì thế, để đạt được các mục tiêu đề ra cần quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương.
Thống nhất với các yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt các nội dung trong Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 của Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung cụ thể hóa các nghị quyết này thành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của ngành Công Thương để tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành những năm qua. Bộ trưởng cho rằng, cần bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong phối hợp chính sách giữa các bộ, ngành và tổ chức thực hiện ở các địa phương.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, năm 2020, việc bảo đảm thị trường cho sản xuất, đầu tư trong nước sẽ đối mặt nhiều thách thức. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương xác định nhiệm vụ là tiếp tục duy trì môi trường ổn định đối với các đối tác để thực hiện chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Bộ cũng đồng hành cùng với các bộ, ngành để tổ chức chương trình hành động, hỗ trợ hiệu quả các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong công tác phát triển thị trường, tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi sản xuất để tiếp cận bền vững thị trường quốc tế.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần nâng cao năng lực thể chế trong đấu tranh chống gian lận thương mại để xử lý vụ kiện, tranh chấp thương mại trong nước, quốc tế, từ đó hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiếp cận thị trường bền vững…