Nâng cao nhận thức của cộng đồng về thiên tai

Xã hội - Ngày đăng : 10:56, 31/12/2019

Hạn chế về nhận thức trong phòng ngừa, ứng phó là một trong những nguyên nhân khiến thiên tai ngày càng gây ra nhiều tổn thất về người và tài sản. Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai giải pháp nâng cao nhận thức, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Thiệt hại vì chủ quan

Nằm trong vùng chậm lũ, chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về, các huyện: Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức… luôn coi công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, trái quy luật… nên các huyện này vẫn bị thiệt hại nặng về tài sản.

Nghiêm túc đánh giá công tác phòng, chống thiên tai thời gian vừa qua, các địa phương của thành phố Hà Nội đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến thiệt hại. Theo Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng, ngoài nguyên nhân thời tiết ngày càng cực đoan, bất thường; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu, một số người dân trên địa bàn huyện còn chủ quan trong phòng ngừa, ứng phó…

“Nếu người dân thực hiện di dời tài sản ra khỏi vùng có nguy cơ cao úng ngập theo đúng khuyến cáo của huyện và xã thì mức độ thiệt hại đã giảm…”, ông Lê Hải Hồng nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Đặng Viết Xuân khẳng định, các cấp chính quyền của huyện đã nghiêm túc thực hiện phương án phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, một số người dân trên địa bàn vẫn chủ quan và thiếu kỹ năng ứng phó, dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Cụ thể, nếu người dân thực hiện đúng yêu cầu của địa phương, không đánh bắt cá khi mực nước sông Bùi dâng cao và có kỹ năng bơi lội, huyện Chương Mỹ đã không xảy ra thiệt hại về người do đuối nước trong mưa lũ…

Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội hướng dẫn người dân xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) lập bản đồ rủi ro thiên tai.

Đánh giá công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến thẳng thắn chỉ ra hạn chế: Một số cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện còn chủ quan, chưa nhận thức đầy đủ về công tác phòng, chống, giảm rủi ro thiên tai. Cụ thể, có xã chưa xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát với thực tế của địa phương, còn thiếu các giải pháp cụ thể; chưa xây dựng phương án phòng, chống thiên tai theo cấp độ rủi ro; hoặc có xây dựng thì cũng mang tính hình thức...

Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho biết, hạn chế nêu trên của huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì... là thực trạng chung ở nhiều đơn vị, địa phương. Thực tế, nhiều đơn vị, địa phương chưa chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai...

Nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó thiên tai

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai đề án Nâng cao nhận thức, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho đại diện người dân và cán bộ, công chức, viên chức của 90 xã thuộc các huyện: Phúc Thọ, Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Mỹ Đức, Hoài Đức, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Gia Lâm, Đan Phượng, Phú Xuyên, Mê Linh, Đông Anh và thị xã Sơn Tây.

Tại các lớp tập huấn này, giảng viên của Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội đã hướng dẫn người dân và cán bộ địa phương đánh giá rủi ro thiên tai, xây dựng bản đồ thiên tai ở từng cộng đồng... Trên cơ sở đó, người dân và chính quyền địa phương lập kế hoạch phòng, chống thiên tai và lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã...

Bên cạnh đó, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội còn hướng dẫn người dân và cán bộ chuyên trách các xã kỹ năng phòng, tránh các loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn, nhận biết và xử lý các sự cố đê điều...

Sau khi tham gia các lớp tập huấn, nhiều người dân đã nhận diện được mức độ nguy hiểm của một số loại hình thiên tai và đã biết các kỹ năng phòng, tránh.

“Trước đây, người dân đi tránh úng lụt chủ yếu quan tâm chuẩn bị lương thực, thực phẩm... Nhưng qua các lớp tập huấn, chúng tôi hiểu, cần phải chuẩn bị thêm thuốc men, nhiên liệu đun nấu và thắp sáng...”, bà Nguyễn Thị Thoi, ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) chia sẻ kiến thức học được từ các lớp tập huấn.

Còn ông Nguyễn Văn Duân, Chủ tịch UBND xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) cho biết, thông qua lớp tập huấn, xã đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai gắn với thực tiễn của địa phương, với những giải pháp cụ thể...

Giảng viên của Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội tuyên truyền kiến thức thiên tai cho nhân dân xã Đông Quang (huyện Ba Vì).

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ: Việc tổ chức các lớp tập huấn phòng, chống thiên tai đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp chính quyền địa phương và người dân tiếp cận được các quy định mới của Luật Phòng chống thiên tai. Đồng thời, cảnh báo về tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng cũng như cách áp dụng hiệu quả phương án “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn...

Để phát huy hiệu quả của đề án Nâng cao nhận thức và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất các cấp, các ngành nghiên cứu, đưa nội dung phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu vào chương trình đào tạo chính thức trong các cấp học; đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác phòng, chống, giảm rủi ro thiên tai tại các địa phương, nhất là cấp cơ sở…

Kim Nhuệ