Ba biện pháp trị cúm quan trọng và hiệu quả hơn uống Tamiflu
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:21, 31/12/2019
Trước thực tế thuốc Tamiflu khan hiếm vào thời điểm hiện nay, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trước “cơn sốt” Tamiflu, người bệnh phải cắn răng mua Tamiflu với giá cao là không cần thiết. Bởi, trên thực tế, Tamiflu chỉ là một loại thuốc hỗ trợ, không phải thuốc đặc hiệu số 1 điều trị cúm. Nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ kể từ khi có triệu chứng cúm, sốt thì kết quả điều trị không khác gì với bệnh nhân không dùng thuốc.
Lý giải thêm về vấn đề này, theo Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi trung ương), với những trường hợp bị cúm phải nhập viện, bác sĩ sẽ căn cứ theo từng diễn biến và biến chứng của bệnh để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, dùng kết hợp nhiều thuốc chứ không riêng Tamiflu. Loại thuốc này cũng không thần thánh đến mức nhiều người phải đổ xô đi mua về dự phòng, điều trị khiến giá bị đẩy lên gấp 4-5 lần.
Tamiflu có thành phần chính là Oseltamivir - một thuốc kháng vi rút, ức chế vi rút nhân lên và làm giảm khả năng bám dính của vi rút ở niêm mạc đường hô hấp, chứ không có chức năng diệt vi rút. Các nghiên cứu đối chứng giữa nhóm sử dụng Tamiflu sau 48 giờ và nhóm không dùng, không thấy có sự khác biệt. “Báo cáo tại hội nghị quốc tế về bệnh cúm diễn ra vào tháng 9-2019 tại Singapore cho thấy, các bệnh nhân mắc cúm mùa sau 5 ngày sử dụng Tamiflu vẫn còn 60% vi rút cúm trong họng, sau 10 ngày vẫn còn 30-40%. Do đó khi mắc cúm, không nhất thiết phải sử dụng Tamiflu”, Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải nhấn mạnh.
Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải cho rằng, khi trẻ bị cúm, có 3 biện pháp quan trọng cần làm ngay còn quan trọng và hiệu quả hơn uống Tamiflu. Đầu tiên là chú ý hạ sốt cho trẻ, kiểm soát nhiệt độ dưới mức 38,5 độ C để tránh co giật; thứ hai là vệ sinh đường hô hấp bằng cách dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi, súc miệng hằng ngày để vệ sinh họng, làm sạch vi khuẩn, tránh bội nhiễm, hạ sốt nhanh hơn, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Cuối cùng là hạn chế người lớn tiếp xúc với trẻ vì 60%-70% vi rút, vi khuẩn trong hầu họng có khả năng gây bệnh, khi tiếp xúc gần có thể vô tình làm trẻ nặng lên hoặc lâu khỏi hơn. Riêng với các trẻ lớn, nếu mắc cúm nhưng không có các nguy cơ, tiếp nhận tốt với thuốc hạ sốt, hạ thân nhiệt sau khi uống thì tránh đưa vào bệnh viện vì làm tăng nguy cơ bội nhiễm, lây chéo nhiều bệnh.