Tết đủ đầy cho người lao động
Đời sống - Ngày đăng : 06:46, 31/12/2019
Lương, thưởng cùng tăng
Chị Nguyễn Thị Hường, công nhân Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai) cho biết: “Năm 2019, mức tiền lương hằng tháng chúng tôi nhận được tăng từ 8% đến 10% và tiền thưởng Tết cũng tăng. Theo đó, dịp Tết Nguyên đán này, mỗi công nhân sẽ nhận được tiền thưởng khoảng 6-8 triệu đồng, tương ứng hơn 1 tháng lương thực lĩnh”.
Về mức thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ông Nguyễn Đức Nhân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử ASTI, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) thông tin, Tết cổ truyền năm nay, mỗi lao động của công ty sẽ nhận mức thưởng bằng 2,7 tháng lương, tương ứng khoảng 13-20 triệu đồng. Ngoài tiền thưởng, tất cả người lao động còn nhận được quà Tết là đồ dùng thiết yếu và riêng những công nhân có hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhận thêm suất quà trị giá 1 triệu đồng.
Qua khảo sát 6.183 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội mới đây đã công bố tiền lương trung bình của người lao động trong năm 2019 và mức thưởng Tết dành cho người lao động. Theo đó, người lao động làm việc trong khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhận được tiền lương cao nhất, trung bình 6,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,7% so với năm trước. Các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty có cổ phần vốn góp chi phối của Nhà nước hay doanh nghiệp dân doanh đều bảo đảm mức lương bình quân cho người lao động đạt gần 6 triệu đồng/người/tháng.
Tương ứng với mức lương tăng, tiền thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động cũng tăng khoảng 5% so với năm trước, cao nhất là 420 triệu đồng/người, thấp nhất là 315.000 đồng/người. Riêng với khối doanh nghiệp FDI, mức thưởng cao nhất là 325 triệu đồng/người và thấp nhất là 750.000 đồng/người.
Như vậy, mức lương, thưởng Tết của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội có mức trung bình tương đối cao và đồng đều. Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, các doanh nghiệp đều có chế độ thưởng Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán cho người lao động, bảo đảm mọi người đều có lượng tiền nhất định sắm Tết.
Để mọi nhà đều có Tết
Bộ luật Lao động không có quy định nào bắt buộc thưởng Tết cho người lao động. Các khoản thưởng này nằm trong thỏa ước lao động tập thể ký giữa chủ sử dụng lao động và tổ chức công đoàn. Kinh phí thưởng Tết được trích từ phần lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm, chia cho người lao động theo khả năng, sự đóng góp của họ cho công việc. Điều đó lý giải vì sao có người nhận được mức thưởng Tết rất cao, song cũng có những người ngậm ngùi nhận suất quà nhỏ...
Để người người, nhà nhà đều có Tết, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, từ đầu tháng 12-2019, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã yêu cầu các cấp công đoàn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp, người sử dụng lao động chăm lo Tết chu đáo cho công nhân, viên chức, lao động... Theo kế hoạch, trong dịp Tết Nguyên đán 2020, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội sẽ trao hàng nghìn suất quà cho đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; tiếp tục triển khai chương trình “Xe ô tô miễn phí đưa công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết”.
Chia sẻ kinh nghiệm mang niềm vui đón Tết đến với người lao động, ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam cho biết, để có nguồn kinh phí chi lương - thưởng, hỗ trợ những công nhân có hoàn cảnh khó khăn vào dịp Tết, công ty đã động viên người lao động phát huy năng lực sáng tạo, áp dụng sáng kiến kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, tăng lợi nhuận.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Bích Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH ToTo Việt Nam, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) chia sẻ: "Chúng tôi luôn động viên người lao động gắn bó, đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp. Sự tăng trưởng, phát triển ổn định của công ty sẽ giúp người lao động nhận được mức lương, thưởng tốt hơn. Có thể thấy, đại đa số người lao động đều nhận được lương - thưởng, quà tặng vào dịp Tết cổ truyền. Tuy nhiên, việc chi lương, thưởng thế nào cho hợp lý không còn là chuyện riêng của mỗi doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động. Theo báo cáo khảo sát tổng kết về phúc lợi và thưởng Tết hằng năm do trang web việc làm VietnamWorks công bố, gần 30% người lao động sẽ nghỉ việc tại công ty cũ, xin việc nơi khác có mức thưởng Tết tốt hơn; hơn 50% số người được hỏi cho biết, họ sẽ cùng đồng nghiệp kiến nghị công ty phải thưởng Tết ở mức thỏa đáng…
Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, các đơn vị, doanh nghiệp cần nghiên cứu và có cách chi thưởng Tết cho hợp lý, để người lao động thấy sự đóng góp của họ được ghi nhận. Về phía người lao động, mỗi người cần lưu ý, chế độ phúc lợi gồm nhiều yếu tố, như: Tiền lương, thưởng, các khoản trợ cấp, điều kiện làm việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Vì vậy, khi quyết định gắn bó với doanh nghiệp, người lao động nên quan tâm đến nhiều khía cạnh, thay vì quá chú trọng đến các khoản thưởng Tết.