Bài cuối: Thay đổi nhận thức vì sự an toàn của cộng đồng
Đời sống - Ngày đăng : 07:36, 31/12/2019
Văn hóa uống rượu, bia đang lệch chuẩn
Sát với thời điểm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực, những con số về tai nạn giao thông vẫn liên tục gióng lên các hồi chuông báo động. Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, trong 11 tháng năm 2019, có gần 3,9 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó, vi phạm do lái xe sử dụng rượu, bia chiếm tỷ lệ hơn 43%. Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 15.000 người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó gần 30% có liên quan đến rượu, bia. Kết quả khảo sát tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho thấy, số tuổi bắt đầu uống rượu ở nước ta ngày càng trẻ hóa (dưới 20 tuổi chiếm 64%)...
Trước thực trạng trên, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nhận xét, hiện tỷ lệ sử dụng rượu bia ở mức có hại ở Việt Nam là rất cao, do nhiều nguyên nhân, như: Nhiều người sử dụng rượu, bia như một thói quen, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi, nơi có trình độ dân trí thấp. Hơn nữa, giá rượu, bia tại Việt Nam đang được bán rất rẻ so với thu nhập của người dân nên ai cũng có thể dễ dàng mua và sử dụng. Mặt khác, sản phẩm rượu, bia đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội… trong khi đây là sản phẩm gây nghiện, nếu sử dụng thường xuyên sẽ rất khó cai.
Còn theo PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển thì, thực trạng lạm dụng và ép nhau uống rượu, bia đã và đang gây ra những hệ lụy xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người uống, kèm theo các tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông… Việc mời mọc, ép buộc người khác uống đến mức say xỉn, không làm chủ được hành vi khiến văn hóa uống bia, rượu trở nên lệch lạc.
Bản thân những người ép bia, rượu cũng thể hiện mình là người thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu văn hóa, đồng thời không tôn trọng người bị ép bởi không phải ai cũng thích và có khả năng uống rượu, bia.
Thay đổi từ nhận thức đến hành động
Thực tế cho thấy, việc phòng, chống tác hại của rượu, bia đã không được chú trọng trong một thời gian dài. Do đó, việc uống rượu, bia lệch chuẩn đã trở thành thói quen của không ít người. Theo một khảo sát mới đây của Bộ Y tế, 63% số người được hỏi khẳng định, uống một ít rượu, bia thì khả năng lái xe không bị ảnh hưởng. Thậm chí khi phỏng vấn những nạn nhân bị tai nạn giao thông do uống rượu, bia, 45% vẫn cho rằng uống rượu, bia vẫn có thể đi xe máy an toàn, việc bị tai nạn có thể chỉ do "số đen"...
Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Ngô Văn Nam, tình trạng ép rượu, bia, khích bác, chê bai, rồi uống đến say mềm người, thiếu tỉnh táo... đã và đang gây ra những tác động xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến gia đình, xã hội và chính bản thân người uống. Vì thế, việc nâng cao nhận thức của cả cộng đồng là vô cùng quan trọng, không thể trì hoãn. Theo đó, các cơ quan chức năng, lực lượng cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương cần hành động quyết liệt để đưa quy định của luật vào cuộc sống.
Theo Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã lập biên bản xử lý 1.972 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm có sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Đối với việc áp dụng quy định xử phạt hành chính người điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội vẫn áp dụng quy định hiện hành. Về những điểm mới trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, khi có hướng dẫn, Phòng sẽ xử phạt theo điều chỉnh của luật.
Điều cần thiết hơn nữa là ngay từ mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, ngay từ lúc này cần có ý thức chủ động trong phòng, chống tác hại của rượu bia bằng cách tuân thủ Điều 10 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia về nghiêm cấm uống rượu, bia tại nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị...
Bên cạnh đó, để thay đổi được thói quen của người sử dụng rượu, bia, theo kiến nghị của bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), rất cần sự vào cuộc của Bộ Công Thương để quản lý chặt công tác kinh doanh rượu bia, sản xuất rượu thủ công; Bộ Công an xử phạt nghiêm hành vi vi phạm; sự phối hợp tuyên truyền, vận động, ngăn ngừa của chính quyền địa phương...
Có thể thấy, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với những quy định mới rất nghiêm khắc là nhằm định hướng cho người dân trong việc tiêu dùng rượu, bia hợp lý, lành mạnh, có văn hóa. Văn hóa sử dụng rượu, bia phải được hiểu là sử dụng đúng nơi, đúng chỗ và có chừng mực. Vì một xã hội văn minh, an toàn, rất cần sự thay đổi từ gốc - thay đổi từ nhận thức của mỗi người - để loại bỏ thói quen xấu trong sử dụng rượu, bia tồn tại bấy lâu nay.