Công an đã giải quyết 97.000 vụ án phạm pháp, vi phạm hình sự
Đời sống - Ngày đăng : 14:09, 31/12/2019
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong công tác đấu tranh chống tội phạm năm 2019, ngành Công an đã giải quyết 97.000 vụ án phạm pháp, vi phạm hình sự.
Qua công tác đấu tranh nổi lên 4 loại tội phạm. Một là trộm cắp gây bất bình trong nhân dân, chủ yếu ở nông thôn. Hai là tội phạm về ma túy với số lượng hơn 20.000 vụ. Ba là các vụ liên quan kinh tế, buôn lậu, gian lận thương mại, tham ô, tham nhũng. Bốn là phạm tội về môi trường với hơn 20.000 vụ, phạt hàng trăm tỷ đồng.
"Lực lượng công an phối hợp với các ngành để đạt mục tiêu kéo giảm tội phạm xuống 7,39%. Bên cạnh công tác kiên quyết đấu tranh, trấn áp tội phạm, mục tiêu kéo giảm tội phạm rất quan trọng, tương ứng 7.500 vụ, con số này khiêm tốn, nhưng kéo giảm 7.500 gia đình không có tội phạm tương ứng với 15.000 người không vào tù (trung bình 1 vụ án có 2 tội phạm). Điều này góp phần giảm số lượng tội phạm vào tù bằng sức chứa 5 trại giam và công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội được tăng cường", Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Trên phương diện an toàn giao thông, mặc dù đã kéo giảm 3 tiêu chí, số tiền xử phạt lên tới 2.500 tỷ đồng, bằng thu nhập của một số địa phương. Song, người đứng đầu Bộ Công an cho rằng, vi phạm giao thông vẫn rất phổ biến, tràn lan. Nếu cứ vi phạm như vậy thì khó kéo giảm tai nạn bền vững.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông để có cách thức quản lý bền vững, mong Quốc hội, Chính phủ và các địa phương ủng hộ
Về nhiệm vụ năm 2020, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, ngành Công an sẽ tập trung 3 nhiệm vụ: Triển khai chiến lược an ninh quốc gia, bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia trong hợp tác đối ngoại, hợp tác kinh tế quốc tế; sơ kết 3 năm thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về an ninh kinh tế, bảo đảm phát triển ổn định bền vững, không đánh đổi những vấn đề mất ổn định như môi trường; đề xuất thực hiện chính quy trong công an xã, nhằm kéo giảm tội phạm, bám sát cơ sở, ngăn ngừa, giải quyết những mâu thuẫn trong từng thôn, xóm, tổ dân cư để không xảy ra tội phạm.
Không tinh giản biên chế với giáo viên mầm non
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thông tin: Báo cáo tổng kết năm học vừa qua của hầu hết các tỉnh, thành phố đều đề cập khó khăn thiếu giáo viên mầm non. Tình trạng thiếu giáo viên chưa được khắc phục đã tạo áp lực lớn trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ.
Để khắc phục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm việc rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, cần tăng cường xã hội hóa để thành lập mới các trường mầm non tư thục; quy hoạch và phát triển trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư.
“Đặc biệt, không tinh giản biên chế với giáo viên mầm non”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ.